Hạnh phúc của người cầm bút
Các nhà báo trẻ cần rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp |
Tôi đã có cơ hội được nghe GS.TS Hoàng Chí Bảo - người đã dành hơn 50 năm nghiên cứu, sưu tầm, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những câu chuyện cùng giọng nói truyền cảm của mình, một lần nữa, tôi đã như được trải nghiệm chân thực hơn những câu chuyện về Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Ông kể, trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo, đủ các thể loại. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không "tô hồng", "bôi đen", phiến diện, một chiều. Đây chính là tấm gương của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Bác cho rằng: "Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy…".
Nói về thế hệ làm báo hiện nay học gì ở phong cách báo chí Hồ Chí Minh? GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trước hết, học ở tính trung thực trong tác nghiệp báo chí. Đó là nền tảng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Người làm báo khi đặt bút phải trung thực, tôn trọng sự thật, không vì chạy theo lợi nhuận hoặc cạnh tranh thông tin mà "giật gân" để câu khách.
Liên hệ thực tiễn, những khó khăn trong việc thu hút độc giả đối với người làm báo kinh tế trong thời đại bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội ngày nay, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn thông tin rất phong phú, nhưng không ít độc giả rơi vào tình trạng "chết chìm với thông tin", thiếu thốn thông tin thực sự đáng tin cậy. Do đó, phải lấy tư tưởng, phong cách làm báo, viết báo của Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Bởi, bên cạnh việc "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc" thì Người còn dạy thông tin trong tác phẩm báo chí phải "chân thực, chính xác", phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc; "chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;" bài báo phải có bố cục "ngắn gọn" ngôn ngữ "trong sáng, giản dị, dể hiểu"; hay "ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người…".
Từ những chia sẻ này, có thể khẳng định rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh đã trở thành "kim chỉ nam" để những người làm báo nói chung và riêng bản thân tôi càng thêm nhận thức sâu sắc về tinh thần tự rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ trước dòng chảy của báo chí hiện đại.
Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã và đang đòi hỏi các nhà báo trẻ không ngừng học hỏi, làm chủ công nghệ, biết tích hợp các kỹ năng đa phương tiện, từ đó tạo ra sản phẩm báo chí có thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao như hiện nay.
Những ngày tháng làm nghề viết báo, tôi có điều kiện đi nhiều nơi, được gặp nhiều nhân vật và được nghe kể những câu chuyện về bản thân cuộc đời của họ, được trải nghiệm những chuyến đi, những sự kiện mà đó là từng câu chuyện sinh động vô cùng. Sau những chuyến đi như vậy được viết bài, những lời dạy của Người về "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào?" vẫn luôn xuyên suốt mỗi tác phẩm của tôi. Mỗi khi bài viết hoàn thiện, được xuất bản và nhận được phản hồi, cảm xúc đó thật sự hạnh phúc!
Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh đã trở thành "kim chỉ nam" để những người làm báo càng thêm nhận thức sâu sắc về tinh thần tự rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ trước dòng chảy của báo chí hiện đại. |