Hãng xe Honda sắp ra mắt ô tô điện tự lái bằng trí tuệ nhân tạo?
Theo thông tin từ tờ Nikkei Asia ngày 21/10, tập đoàn Sony và Honda Motor sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện khả năng tự lái trong các xe điện mà hai bên đang phát triển, nhằm bắt kịp với Tesla, công ty vốn đang giữ vai trò tiên phong về công nghệ trong lĩnh vực này.
Mẫu ô tô tự lái sẽ được Honda kết hợp cùng tập đoàn công nghệ Sony sản xuất. Ảnh: Nikkei Asia |
Liên doanh Sony Honda Mobility sẽ giới thiệu chức năng lái tự động bằng AI trong mẫu xe sang Afeela, dự kiến ra mắt tại Nhật Bản và Mỹ vào năm 2026.
Sử dụng hệ điều hành đang được phát triển bởi hai công ty, AI sẽ làm việc để liên tục cải thiện chức năng tự lái thông qua các bản cập nhật hàng năm hoặc hai lần một năm. Hệ thống ban đầu dự kiến sẽ có khả năng đạt khả năng tự lái cấp độ 3, cho phép lái tự động trên cao tốc và trong một số điều kiện nhất định.
Các hệ thống lái tự động hiện tại sử dụng sự kết hợp của cảm biến và camera để nhận diện vật cản và các đối tượng khác nhằm kiểm soát việc lái xe. Hầu hết mã lập trình cần phải được viết thủ công, phân tách theo các chức năng như nhận diện và đánh giá.
Hệ thống AI được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ cải tiến của hệ thống vì nó sẽ tiếp tục học hỏi từ dữ liệu lái xe. Chi phí có thể được giảm xuống bằng cách giảm nhu cầu sử dụng các cảm biến và thiết bị đắt tiền khác.
Tesla đã áp dụng AI trong hệ thống lái tự động của mình từ năm ngoái, trong khi BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, đang hợp tác với Huawei Technologies để ra mắt hệ thống tương tự vào cuối năm nay.
Thiết kế nội thất của xe sang Afeela. Ảnh: Honda |
Thông thường, giá trị gia tăng trong các ô tô truyền thống thường nằm ở động cơ và các bộ phận liên quan tới hệ thống truyền động. Trong khi đó, xe điện có pin là trung tâm của quá trình sản xuất, chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, trong tương lai, xe điện sẽ sử dụng động cơ và các linh kiện có mức giá thấp hơn và khi đó các công nghệ số, như hệ thống lái tự động dựa trên AI, được kỳ vọng sẽ xác định khả năng cạnh tranh.
Theo công ty nghiên cứu Precedence Research của Canada, thị trường xe tự lái toàn cầu sẽ đạt giá trị 2,75 nghìn tỷ USD vào năm 2033, gấp 17 lần so với năm 2023. Các công ty công nghệ như Sony và Google đang nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực này.
Tuy được đánh giá là tiện lợi, nhưng các phương tiện tự lái hiện vẫn dấy lên mối lo ngại cho người dùng về độ an toàn. Ngày 18/10 vừa qua, cơ quan quản lý an toàn ô tô liên bang Mỹ chính cho biết họ đang điều tra xem liệu công nghệ tự lái của Tesla có phải là nguyên nhân gây ra bốn vụ va chạm, trong đó có một vụ khiến một người đi bộ tử vong. Kế hoạch xây dựng hệ thống xe tự lái của Tesla đã gặp phải trở ngại bởi cuộc điều tra này.
Cơ quan quản lý, Cục Quản lý An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ, cho biết họ đang xem xét liệu phần mềm mà Tesla gọi là xe tự lái hoàn toàn có thể giám sát, hay có biện pháp bảo vệ để yêu cầu tài xế giành lại quyền kiểm soát xe trong trường hợp mà công nghệ tự động không thể tự xử lý hay không.
Khi doanh số bán xe điện của Tesla chậm lại, Elon Musk, Giám đốc điều hành của công ty, đã đặt cược tương lai của công ty vào phần mềm cho phép xe điều hướng, lái và phanh mà không cần sự giám sát của con người.
Cuộc điều tra của cơ quan an toàn của Mỹ là dấu hiệu cho thấy, ngay cả khi Tesla thành công trong việc hoàn thiện công nghệ, công ty vẫn sẽ phải đối mặt với những rào cản pháp lý đáng kể.
Tesla đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc này. Trong khi đó, ông Musk thường nói rằng, xe Tesla hoạt động ở chế độ tự lái an toàn hơn so với người lái.
Cơ quan an toàn liên bang cho biết, các vụ tai nạn xảy ra khi tầm nhìn trên đường có thể bị hạn chế do ánh nắng, sương mù hoặc bụi. Phần mềm tự lái của Tesla phụ thuộc vào camera để hoạt động, không giống như các nhà sản xuất khác sử dụng công nghệ radar hoặc laser thường phát hiện vật thể và con người tốt hơn khi tầm nhìn bị che khuất bởi thời tiết xấu hoặc ánh nắng chói chang.
Cơ quan này cho biết, họ sẽ xem xét khả năng hệ thống không phát hiện và ngắt kết nối trong những tình huống cụ thể mà hệ thống không thể hoạt động đầy đủ.