Thứ bảy 23/11/2024 22:27

Hang Kia – Pà Cò sức hút mới của "cửa ngõ" Tây Bắc

Mai Châu là một điểm đến du lịch nổi trội của tỉnh Hòa Bình, dựa vào cảnh quan, sự đa dạng của bản sắc văn hóa truyền thống. Không chỉ vậy, Mai Châu hiện có xã Hang Kia – Pà Cò giàu tiềm năng về du lịch có thể trở thành sức hấp dẫn mới cho "cửa ngõ" Tây Bắc.    

Nhiều dư địa phát triển du lịch

Mai Châu có 7 dân tộc cùng sinh sống gồm Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Hoa. Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa truyền thống riêng đã tạo nên sự đa sắc giữa vùng Tây Bắc. Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh đẹp, những sản vật, đồ lưu niệm đặc trưng, sự thân thiện nhiệt tình của đồng bào mà Mai Châu còn hấp dẫn với văn hóa ẩm thực phong phú; đặc biệt là có nhiều điểm tiềm năng về du lịch tại xã Hang Kia, Pà Cò, Noong Luông, khu rừng nguyên sinh, rừng già cổ thụ.

Hang Kia - Pà Cò sẽ là điểm đến đầy sức hút của "cửa ngõ" Tây Bắc

Trải qua nhiều năm phát triển, du lịch Mai Châu đã phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác, bản Pom Cọong… thu hút nhiều du khách, nhất là khách đến từ châu Âu. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, năm 2018, Mai Châu đã đón được 332.000 lượt khách, trong đó có 1.322.500 khách du lịch quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 194 tỷ đồng.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, hiện Mai Châu đang triển khai quảng bá, xúc tiến thêm nhiều điểm du lịch mới, trong đó có hai xã Hang Kia - Pà Cò.

Cách trung tâm huyện Mai Châu hơn 30km, Hang Kia – Pà Cò từng là "chảo lửa" về trung chuyển ma túy. Nhưng nay cuộc sống nơi đây đã trở lại bình yên, cở sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang, mạng viễn thông phủ sóng, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã bắt đầu phát triển loại hình du lịch homestay, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hang Kia - Pà Cò đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Hang Kia – Pà Cò có nhiều thung lũng nhỏ nằm đan xen giữa khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Nơi đây có hai mùa khô và mưa, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc với núi đá tai mèo hiểm trở. Trong đó, xã Pà Cò chiếm 99% là dân tộc Mông, điểm đến này vẫn đang duy trì nhiều nghề truyền thống như dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, nhiều mặt hàng thổ cẩm của Pà Cò đã vươn xa tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Pà Cò còn có nhiều địa điểm cảnh quan tươi đẹp đủ để níu chân du khách như vườn mận, vườn đào, đồi chè xanh ngút ngàn, những phiên chợ rực rỡ sắc màu…

Còn với Hang Kia lại có địa hình khá đa dạng, chủ yếu là đồi núi cao liên tiếp, độ dốc lớn; xen kẽ giữa khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò là các thung lũng nhỏ với những điểm du lịch mát mẻ, địa hình bằng phẳng, nơi đồng bào Mông tập trung sinh sống với nghề nương rẫy, trồng ngô, riềng, chè, mận, đào.

Có thể thấy, dư địa phát triển du lịch của Hang Kia – Pà Cò còn rất lớn, nhưng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quanh năm nhưng Hang Kia – Pà Cò vẫn chưa phát huy được các thế mạnh do chưa thu hút được các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cần có cơ chế đặc thù

Xuất phát từ thực tế trên, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Hang Kia - Pà Cò. Đây là lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến về du lịch được làm ở cấp xã đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đối với việc phát triển du lịch tại Hang Kia – Pà Cò.

Ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình - cho hay, nếu làm du lịch tốt thì Hang Kia – Pà Cò từ một “vùng nóng” về ma túy sẽ là "vùng mát" về du lịch, kể cả về an ninh trật tự. Các nhà đầu tư về đây, bản chất không chỉ là làm ăn kiếm lời, mà còn làm một việc hết sức nhân đạo là chia sẻ những khó khăn của vùng đất này.

Theo đó, mục tiêu của tỉnh Hòa Bình là kết nối giao thông, phát triển hạ tầng để phát triển du lịch Hang Kia – Pà Cò. “Nếu các nhà đầu tư có mong muốn cùng tham gia, nghiên cứu, đầu tư và đặc biệt là người dân tích cực tham gia xây dựng, làm các homestay để phát triển du lịch, thay đổi đời sống của mình thì tỉnh Hòa Bình sẵn sàng cùng làm hạ tầng này tốt hơn nhiều so với hiện nay" – ông Tỉnh nhấn mạnh.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Hang Kia - Pà Cò đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân

Trước tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy du lịch Hang Kia – Pà Cò phát triển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Ngô Hoài Chung - đề xuất, tỉnh Hòa Bình cần có cơ chế chính sách đặc thù dành riêng cho hai xã Hang Kia - Pà Cò về ưu đãi hỗ trợ, nguồn vốn, thuế, nhân lực; từ đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo cú huých ban đầu thu hút các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương.

Đồng thời, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tỉnh Hòa Bình cần bố trí nguồn vốn nhất định, đầu tư nâng cấp về giao thông, nguồn điện, nước sạch, viễn thông… để nâng cao sức hấp dẫn, tiện ích cho khách du lịch khi đến với địa phương; sớm thuê tư vấn, lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Hang Kia - Pà Cò làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển du lịch địa phương bền vững.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp đầu tư, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch cần hình thành các sản phẩm du lịch, công trình kiến trúc, các dự án, hoạt động dịch vụ cần lưu ý đảm bảo hài hòa với môi trường cảnh quan; phát huy tốt bản sắc văn hóa bản địa. “Việc kinh doanh du lịch phải gắn liền với cư dân địa phương, đảm bảo người dân có việc làm, có thu nhập, được hưởng lợi từ du lịch. Yếu tố chủ đạo trong du lịch tại Hang Kia – Pà Cò phải khác những nơi khác, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái theo loại hình homestay là chủ yếu” - ông Chung đề nghị.

Tổng cục Du lịch sẽ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Hang Kia - Pà Cò vào chương trình hành động quốc gia hàng năm; tổ chức khảo sát kết nối tour đưa khách du lịch về với Hang Kia - Pà Cò; bố trí nguồn lực tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sức hấp dẫn điểm đến.
Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai

Khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 ở Gia Lai

Du lịch Bình Thuận và lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững

Làm sao để tour du lịch kiến trúc Đà Lạt không còn dừng lại ở tiềm năng?