Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, hàng giả, hàng nhái có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa tại các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhiều nhãn hàng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng, trong đó có QLTT đã tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm. Điển hình, ngày 29/3, Đội QLTT số 16 (Cục QLTT Hà Nội) đã tóm gọn kho hàng chứa hơn 3.000 sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Hermes… tại đường Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội. Ngày 26/3, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp lực lượng chức năng thu giữ hơn 2.000 sản phẩm pin dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung tại số 43BT4 Khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trước đó, ngày 25/3, hàng ngàn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Nike, Burberry… được chứa trữ trong căn nhà 3 tầng thuê tại địa chỉ số 02, DV04 Tây Nam Linh Đàm, phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đã bị Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và thu giữ. Đáng chú ý, ngày 17/3, lực lượng QLTT đã triệt phá một kho hàng giả thương hiệu Hermès với số lượng lớn tại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lực lượng này phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm, ước tính 20.000 – 30.000 sản phẩm nhái thương hiệu Hermès đã bị thu giữ tại đây.
Nhiều nhãn hiệu thời trang uy tín bị làm giả |
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLkhẳng định, tại nhiều địa bàn tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn bày bán công khai, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888). Đây là kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm. Trong đó, năm 2021, phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT. 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) gồm Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang TMĐT bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT và không tái phạm…
Từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 12/2025, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ bao gồm thương mại truyền thống và trên tảng số sẽ thuộc diện kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. |