Thứ sáu 22/11/2024 07:04

Hàng hoá chuẩn bị chống bão số 3 đảm bảo đáp ứng nhu cầu, người dân không cần tích trữ quá nhiều!

Đây là khẳng định của đại diện Bộ Công Thương trong buổi kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ, chiều 6/9.

Chiều 6/9, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.

Tham gia đoàn công tác có ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương; bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội. Đoàn công tác đã kiểm tra việc cung ứng hàng hoá tại 2 siêu thịlớn là Winmart Royal City và và Big C Thăng Long.

Lượng người mua hàng tăng cao, nhà bán lẻ liên tục cung ứng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại 2 chuỗi siêu thị này, nguồn cung hàng hoá đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, thực phẩm chế biến, đường, sữa, muối ăn, mỳ ăn liền… Dù lượng khách hàng đổ về các hệ thống này có ghi nhận đông hơn cùng thời gian ngày thường nhưng siêu thị vẫn đáp ứng đầy đủ.

Tại siêu thị WinMart Royal City, đại diện siêu thị thông tin, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp qua đó dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, WinMart đã sẵn có các nhóm thực phẩm khô, sản phẩm trữ mát và hàng đông lạnh phục vụ khách hàng.

Nhằm tạo thuận tiện cho người dân mua sắm trong những ngày mưa bão, WinMart đã và đang kết nối thường xuyên với khách hàng thông qua chương trình khách hàng thân thiết “Hội viên Win” và giao hàng qua “Đi chợ online” trên winmart.vn. Ngoài ra, hệ thống của WinCommerce còn có trên 1.000 cửa hàng WinMart+/WiN gần các chung cư và gần khu dân cư, nên sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách, từ đó đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm cho người dân.

Đoàn công tác kiểm tra việc cung ứng hàng hoá tại WinMart Royal City

Cùng với Winmart Royal City, toàn bộ chuỗi siêu thị WinMart vẫn duy trì thời gian hoạt động bình thường trong các trung tâm thương mại từ 8h sáng đến 22h và các siêu thị WinMart độc lập mở cửa từ 7h sáng đến 22h hàng ngày.

Về lượng hàng hóa chuẩn bị, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp và dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Công tác chuẩn bị và dự trữ hàng tại các kho trung tâm khu vực Miền Bắc cũng được triển khai theo hướng tăng lượng hàng tồn tại các siêu thị, đảm bảo có đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá phục vụ khách hàng.

Hàng hoá tươi sống tại Winmart rất dồi dào và được cung cấp liên tục

Tại siêu thị Big C Thăng Long, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, để đảm bảo hàng hoá cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng, liên tục từ 2 ngày hôm nay, Big C Thăng Long đã tăng lượng hàng hoá lên 300%. Trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá…

Big C Thăng Long đã chuẩn bị lượng hàng hoá cao gấp nhiều lần ngày thường và cam kết bình ổn giá

“Tuy nhiên, từ sáng hôm nay (6/9), lượng khách hàng đến với siêu thị tăng đột biến, gấp khoảng 20 – 30 lần ngày thường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12h đến 15h chiều, lượng khách hàng đến siêu thị tăng cao, người mua hàng tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá, trứng, rau củ quả…” – ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Trước tình hình đó, Big C Thăng Long khẳng định luôn cam kết đảm bảo hàng hoá đầy đủ cho người tiêu dùng. Đối với hoạt động bình ổn giá, Big C Thăng Long đã làm việc và ký cam kết với nhà cung cấp để đảm bảo giữ ổn định giá cả trong một thời gian dài. “Do đó, chắc chắn sẽ không có tình trạng Big C Thăng Long tăng giá dịp này, người dân không nên quá lo lắng” – ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Không chỉ tại Big C Thăng Long mà lượng hàng hoá cũng đảm bảo dồi dào tại toàn bộ hệ thống của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị GO!, Big C thông tin, trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 3, tại nhiều nơi, nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng hơn trước.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, GO!, Big C chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau củ quả tươi sống (hàng thiết yếu), đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.

Tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc đã tăng thêm thời gian mở cửa kéo dài tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C tại Hải Phòng, Quảng Ninh, ghi nhận sáng ngày 6/9/2024, hàng hoá khá dồi dào, người dân chủ yếu đi mua hàng thiết yếu để dự trữ.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đã chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng gấp 3-5 lần thông thường. Riêng thực phẩm tươi sống: rau thịt cá, đã tăng lượng hàng gấp 2-3 lần ngày thường và làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng 2-3 lần mỗi ngày thay vì 1 lần như trước nếu nhu cầu tăng đột biến. Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa xảy ra hiện tượng khan hàng, giá cả tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc vẫn đảm bảo như bình thường” – đại diện Tập đoàn Central Retail nhấn mạnh.

Ngành Công Thương vào cuộc, người tiêu dùng không cần lo lắng, tích trữ quá nhiều hàng hoá

Về phía TP Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội thông tin, trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống luôn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Mặt hàng rau củ quả - mặt hàng người dân có nhu cầu lớn rất dồi dào, đa dạng

Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cơn bão số 3 đổ bộ, ngành Công Thương Hà Nội yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối… tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu nên hiện nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, giá cả ổn định vì vậy người dân không cần quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá cả cũng được Sở Công Thương yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng liên tục vào cuộc kiểm tra việc cung ứng và giá cả hàng hoá nên không lo ngại việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đối với Bộ Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, ngày 06 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.

Hàng hoá đã được Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đảm bảo kịp thời, đầy đủ, không tăng giá. Người dân không cần tích trữ quá nhiều!

Theo Công điện, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Ngay trong chiều 6/9, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã kịp thời đến một số kênh phân phối lớn để kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.

Quá trình kiểm tra, cộng với báo cáo nhanh của một số kênh phân phối lớn và Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho thấy, để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

“Hiện nay, hàng hoá được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đảm bảo phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão, do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hoá so với nhu cầu trong vài ngày sắp tới” – ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phương Lan - Cấn Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Bình ổn hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 19/11: Giá dầu tăng mạnh, thị trường kim loại phục hồi

Doanh nghiệp ngoại thi nhau mở điểm bán, bức tranh thị trường bán lẻ nội cuối năm 2024 ra sao?

Doanh nghiệp bán lẻ tăng mở mới, thị trường kỳ vọng 'bùng nổ' cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 14/11/2024: Chỉ số MXV-Index chấm đứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp

Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/11/2024: Giá đậu tương mở rộng đà suy yếu

POND’S mang kiến thức chăm sóc da đúng chuẩn tới gần 1000 học sinh Bến Tre

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/11/2024: Giá dầu thế giới giảm hơn 2%

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/11/2024: Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc cao kỷ lục đẩy giá tăng mạnh

Thị trường hàng hóa hôm nay 8/11/2024: Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần

Thị trường hàng hóa hôm nay 7/11/2024: Giá kim loại đồng loạt giảm, giá ngô đi ngược chiều thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 6/11/2024: Sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 tăng 8,5%

TP. Hồ Chí Minh tăng cường bảo đảm bình ổn hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/11: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khởi sắc trong phiên đầu tuần

Đồng Nai: Thu hơn 240.000 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 4/11: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trầm lắng tuần cuối tháng 10

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 1/11: Giá kim loại quý lao dốc

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 31/10: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang ‘lấy lại’ sắc xanh

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 73): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 8)