Hải Phòng: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhỡ đơn hàng, buộc phải thu gọn hoạt động sản xuất, kinh doanh, gặp gỡ tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu và người mua hàng tiềm năng.
Chính vì vậy, các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, hiệp hội nhập khẩu, doanh nghiệp ở Hải Phòng luôn cần những thông tin mới nhất về tình hình, nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đồng thời, những thông tin cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường trên và tiềm năng, dư địa xuất khẩu.
Để góp phần khắc phục khó khăn đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh như cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm, chính quyền Hải Phòng, trong đó có ngành Công Thương đã liên tục tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp của thành phố với doanh nghiệp nước ngoài như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi...
Chính quyền Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định sản xuất. (Ảnh minh họa) |
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành, trên địa bàn thành phố có 163 dự án đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 94%, còn lại là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, thương mại,... Bên cạnh đó, thành phố có 7 dự án từ nhà đầu tư Ấn Độ, với tổng vốn đầu tư 13,1 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Được biết, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hải Phòng với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt đạt 2,5 tỷ USD và 160,86 triệu USD.
Theo đó, Nam Phi là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hải Phòng tại châu Phi. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Hải Phòng sang Nam Phi chưa tương xứng tiềm năng, vị trí của nền kinh tế Nam Phi. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 1,58 triệu USD trong 10 tháng năm 2023.
Trước đó, Sở Công Thương Hải Phòng cũng phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Mexico tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa Tập đoàn Coppel, Mexico và một số doanh nghiệp của Hải Phòng. Chương trình kết nối giao thương với mục tiêu đưa các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, đồ vật trang trí nội thất và ngoại thất vào chuỗi bán lẻ của tập đoàn, với hơn 1.500 điểm phân phối sản phẩm tại Mexico và Argentina.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường khó khăn, Hải Phòng là một trong các địa phương luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm ổn định sản xuất, chủ động công tác tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm điện tử, linh kiện, cơ khí, nông - thủy - hải sản, thực phẩm, dệt may, da giày... giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra sản phẩm.
Với những nỗ lực trên, trong 10 tháng của năm 2023, sản xuất công nghiệp toàn thành phố tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu đạt hơn 20 tỷ USD (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022), thuộc số ít các địa phương có xuất khẩu tăng trưởng dương.
Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng Đỗ Hữu Huỳnh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp hội viên đã và đang hợp tác các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... tạo nên giá trị sản xuất hàng chục nghìn tỷ đồng. Với các tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng, các doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng mong muốn giao lưu, tìm hiểu và học hỏi, hợp tác các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi trên tất cả lĩnh vực.
Chắc chắn rằng, chính quyền thành phố Hải Phòng sẽ cần phải duy trì và tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương. Từ đó, tạo động lực để các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là khâu kết nối, tiêu thụ hàng hóa.