Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên...
Về phía thành phố Hải Phòng có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và đông đảo người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu tham dự lễ khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 |
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
“Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh xin trân trọng cảm ơn UNESCO, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tổ chức khác đã quan tâm giúp đỡ 2 địa phương. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”- Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chứng kiến thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà |
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại lễ khai mạc |
Ngoài việc đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, một điểm đáng chú ý, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2024 chính thức khai mạc lần đầu tiên diễn ra tại quảng trường Trung tâm chính trị - hành chính TP Hải Phòng có sức chứa lên đến hơn 10.000 người. Đây là sự kiện chính trị - văn hóa, xã hội, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đây cũng là dịp để quảng bá sâu rộng hơn nữa hình ảnh thành phố đến du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 còn nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh thành phố; xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng với người dân trong nước và bạn bè quốc tế…
Với sắc đỏ chủ đạo của hoa phượng - "màu hoa thắp lửa" Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với nhiều tiết mục đặc sắc |
Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Với thời lượng 90 phút, chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế như NSND Thanh Lam, NSND Khánh Hòa; các ca sĩ: Thu Phương, Tùng Dương, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik..., Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Đoàn múa HT, Vũ đoàn Mai Trắng, CLB Thiếu nhi Sao tuổi thơ… cùng gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên.
Chương trình gồm 3 chương mang chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 được tạo nên từ cảm hứng "ánh sáng Mặt trăng - Hải đăng - Mặt trời".
Chương 1 với chủ đề “Khúc nguyệt cầm của biển” với hình tượng ánh trăng huyền thoại, sẽ kể câu chuyện về nguồn ánh sáng những di sản quý giá của lịch sử, truyền thống, của thiên nhiên ban tặng, là niềm tự hào của vùng đất này còn soi chiếu và tỏa sáng đến hôm nay.
Màu đỏ là màu của hi vọng, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 hi vọng sẽ là dịp để Hải Phòng tiếp tục quảng bá hình ảnh của một Hải Phòng năng động, phát triển |
Chương 2 với chủ đề "Hải Phòng – Rạng rỡ tháng năm" đã mang đến cho khán giả thấy một Hải Phòng của những dòng sông, những cây cầu, của nhạc, của thơ, nắng màu phượng và mưa bằng lăng tím, của những con người khẳng khái, hào sảng, của những con phố, mùi hương, sắc màu làm xao xuyến bước chân bao du khách và thành phố của những dấu ấn nổi bật trong thời gian qua vẫn đang được các thế hệ tiếp nối viết nên những trang mới trong hành trình phát triển. Kết nối giữa chương I và chương II là sự chuyển tiếp của ánh sáng. Ánh trăng của chương I và Ánh sáng của ngọn hải đăng Long Châu trong chương II giao hòa trên mặt biển. Để rồi từ trong đêm, luồng sáng của Hải đăng hướng về thành phố, soi sáng không gian, tiếp nối kể câu chuyện về các di sản, về vẻ đẹp, sự lãng mạn của Hải Phòng, qua ánh sáng từ ngọn hải đăng không bao giờ tắt sẽ nối mạch quá khứ - hiện tại và tương lai đến với nhịp sống thời đại hôm nay.
Chương III của chương trình với chủ đề "Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản" đã sử dụng hình tượng “Mặt trời khát vọng” để thể hiện cho những khát vọng mãnh liệt của một thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới với những định hướng, tầm nhìn chiến lược, mở ra một cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố cảng. Và ánh sáng đó sẽ bừng chiếu rực rỡ hòa chung sắc phượng thắm, mang đến một tinh thần lạc quan tràn đầy khí thế để những người con của Hải Phòng cũng như những ai nặng lòng với mảnh đất này cùng chung tay kiến thiết, tạo dựng những thành quả tự hào cho nơi đây trên hành trình phát triển phía trước.
Những màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời Hải Phòng tại lễ khai mạc |
|
Chương trình nghệ thuật được tổ chức nhằm tái hiện một Hải Phòng là nơi gặp gỡ của đất, trời, biển cả để tạo dựng nên di sản thiên nhiên thế giới - Quần đảo Cát Bà. Cùng với đó là một Hải Phòng, nơi hồn thiêng sông núi hội tụ, nơi giao thoa và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại để tạo dựng nên bề dầy di sản lịch sử văn hóa quốc gia và bản sắc văn hóa biển chứa đựng khát vọng chinh phục biển khơi của các thế hệ người dân Hải Phòng.
Hơn 10.000 chỗ ngồi chật kín khán giả tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 |