Hải Dương tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đón 'sóng' đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu
Chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Hải Dương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ và thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển và các cảng hàng không quốc tế chính của miền Bắc, nên có khả năng kết nối trong và ngoài nước khá toàn diện, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc bộ.
Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã thu hút 332 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn 6.544 triệu USD |
Với những lợi thế rất lớn đó, tỉnh Hải Dương định hướng tới năm 2050 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, trở thành trục động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Để từng bước đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, bên cạnh việc tạo môi trường thân thiện, cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Hải Dương còn đặc biệt quan tâm, chú trọng tới việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế được quan tâm thực hiện, nhất là công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư của nước ngoài tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư tại Hoa Kỳ, Châu Âu (như Anh, Pháp, Bỉ), Nhật Bản...
Các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của tỉnh góp phần mang lại nhiều kết quả rực rỡ trong hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư và ngoại giao giữa Hải Dương và các đối tác nước ngoài. Thông qua các Chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, đã có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, thương mại được ký kết giữa các nhà đầu tư của Hải Dương với các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm các đối tác để hợp tác đầu tư, thương mại giữa các bên với sự chứng kiến và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó, để thu hút đầu tư, tỉnh đã tổ chức thực hiện các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết theo chuỗi giá trị.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý chất lượng công trình giao thông, xây dựng. Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thứ cấp triển khai thực hiện, sớm đưa dự án sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng và môi trường, quản lý lao động tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là một hướng đi chiến lược của tỉnh Hải Dương nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ. Tại Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ phương hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, trong đó ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Hay, Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh Hải Dương ban hành nêu rõ nhiệm vụ hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.
Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện điện - điện tử từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa.
Hiện nay, thông qua các chương trình đào tạo, Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương đã tư vấn cho các doanh nghiệp Hải Dương trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản hợp tác. Tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
"Trái ngọt" trong thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, năm 2024, tỉnh Hải Dương thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 500 triệu USD, bằng 38,2% so với năm trước. Lũy kế trên địa bàn tỉnh hiện có 592 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký 10.742 triệu USD (trong đó, trong khu công nghiệp có 332 dự án, số vốn 6.544 triệu USD; ngoài khu công nghiệp có 260 dự án, số vốn 4.189 triệu USD).
Hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đã thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều và nông sản của tỉnh |
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu ổn định. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%.
Việt Nam hiện đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 9 hiệp định tự do thế hệ mới về cam kết xuất khẩu nông sản, thực phẩm... Nông sản Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng đã và đang được xuất bán sang 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước khu vực ASEAN, Châu Á... Nhiều mặt hàng nông sản ở Hải Dương như cà rốt, vải thiều, cải bắp, su lơ... được xuất khẩu ngày càng nhiều với giá trị ngày càng cao. Tiềm năng phát triển các vùng trồng rau màu phục vụ thị trường xuất khẩu của tỉnh còn lớn.
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã rất tích cực tham mưu với UBND tỉnh tổ chức được nhiều đoàn xúc tiến thương mại đầu tư tại thị trường nước ngoài. Các hoạt động này được tổ chức có định hướng hơn, cả về thị trường và ngành hàng. Thông qua các đoàn xúc tiến thương mại, rất nhiều sản phẩm, hàng hóa của Hải Dương được trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá tại nhiều thị trường quốc tế lớn, cửa ngõ vươn tới các thị trường khác…
"Hải Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện được nhiều sự kiện xúc tiến thương mại cho nông sản, đặc biệt là vải thiều với quy mô quốc tế, phạm vi rộng khắp rất nhiều nước và khu vực trên thế giới” - ông Hảo nhấn mạnh.
Đơn cử, các hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều và nông sản với quy mô quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài tham dự; giá trị và thương hiệu quả vải thiều Thanh Hà của Hải Dương trên thị trường trong nước và thế giới được nâng cao.
Hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đã thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều và nông sản của tỉnh. Trước đây, vải thiều và nông sản của Hải Dương chỉ xuất khẩu sang được một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia, một số nước khu vực Trung Đông….
Sau các hội nghị xúc tiến thương mại lớn của tỉnh, vải thiều đã liên tục phát triển được thị trường xuất khẩu, nhất là đã xuất khẩu sang được các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia, Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Czech…; đồng thời, tiếp tục phát triển và mở rộng các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, khu vực Nam Mỹ và một số nước châu Phi…
Còn nhớ tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm trang bị kiến thức cho các sở, ban, ngành, doanh nghiệp do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Hải Dương là một tỉnh trong những năm gần đây có độ mở và các hoạt động đối ngoại rất sôi động. Hải Dương cũng rất chủ động trong việc mở rộng các quan hệ quốc tế, đổi mới và cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hải Dương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi môi trường đầu tư của tỉnh Hải Dương và thúc đẩy kết nối hợp tác đầu tư giữa các nhà đầu tư trong tỉnh với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).