Hà Tĩnh: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai, không biết bán ở đầu, thông tin thị trường không rõ ràng; người tiêu dùng muốn mua sản phẩm không biết mua của ai (vì sợ sản phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ), không biết mua ở đâu... đó là thực trạng chung trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hiện nay mà chúng ta cần tìm lời giải. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh |
Nhận thức được điều này nên ngay sau khi Trung ương có chủ trương về chuyển đổi số, Hà Tĩnh xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới xây dựng Kế hoạch chung để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và chương trình OCOP.
Hà Tĩnh xác định, chuyển đối số ngành nông nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, chuyển đổi số Chương trình OCOP để kéo ngành nông nghiệp phát triển, vì vậy cần có kế hoạch chung tổng thể để đảm bảo sự khoa học, đồng bộ trong thực hiện.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh, với mục tiêu xây dựng chiến lược chuyển đổi số đồng bộ từ công tác quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế; minh bạch dữ liệu (sản xuất, tiêu thụ, phân phối, chuỗi cung ứng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…) giúp hiện đại hoá công tác quản trị, tăng doanh thu bền vững, giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất; hệ thống đơn giản dễ triển khai, dễ áp dụng tại cấp cơ sở, cấp người dùng…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh quyết tâm không để “lỡ chuyến tàu”, hoà mình vào cùng dòng chảy của nhân loại trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số. Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh và gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương.
Hà Tĩnh đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Theo đó, về Chương trình OCOP, đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị Chương trình OCOP Hà Tĩnh; hệ thống chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được tích hợp trên website https://dlsntm.vn/.
Về phát triển chính quyền số, Hà Tĩnh phấn đấu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, chất lượng cung cấp dịch vụ công của ngành nông nghiệp; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.
Về phát triển kinh tế số, Hà Tĩnh tập trung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp và Chương trình OCOP; phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tối thiểu 10%, trong Chương trình OCOP đạt 30%; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về công nghệ thông tin; nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (PCI).
Để đạt được mục tiêu này, Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành nông nghiệp, cán bộ phụ trách Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Kiến tạo thể chế, tổ chức bộ máy. Nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.... Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 như công nghệ không gian, GIS, Viễn thám, IOT, Big data, AI,… trong dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu; dự báo, phân tích chính sách, thị trường tiêu thụ nông sản; tư vấn trực tuyến,…; trải nghiệm sản xuất nông nghiệp trên không gian mạng; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hệ thống quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) và B2C (bán lẻ).
Song song với việc xây dựng kế hoạch, hiện nay Hà Tĩnh đã triển khai một số mô hình ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Như trong lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây ăn quả có múi.
Trong Chương trình OCOP Hà Tĩnh, tỉnh đang xây dựng phần mềm chung cho Chương trình OCOP Hà Tĩnh với mục tiêu số hoá toàn diện từ công tác quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế; minh bạch dữ liệu (sản xuất, tiêu thụ, phân phối, chuỗi cung ứng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…) bằng công nghệ DGK Blockchain Hub (gọi là “Blockchain”) giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ về thông tin sản phẩm; hỗ trợ chủ cơ sở hiện đại hoá công tác quản trị; hệ thống đơn giản dễ triển khai, dễ áp dụng tại cấp cơ sở, cấp người dùng… và đã lựa chọn 20 cơ sở làm điểm chuyển đổi số.
Hiện, Hà Tĩnh đã nhận được góp ý của Bộ Thông tin và Truyền thông về Dự thảo Kế hoạch, về cơ bản Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tình, thống nhất các nội dung Dự thảo kế hoạch chuyển đổi số mà Hà Tĩnh xây dựng.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình OCOP là nội dung mới, lĩnh vực rộng lớn, cần sự thay đổi lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận vào cuộc của người dân. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh đề nghị Trung ương quan tâm tư vấn, cử chuyên gia hỗ trợ Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay Hà Tĩnh đang thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Trung ương chọn Hà Tĩnh triển khai thí điểm trong thực hiện chuyển đổi số và hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình chuyển đổi số.