Hà Tĩnh: Chấn chỉnh các công trình thủy điện trước mùa mưa bão
Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra những vi phạm của một số công ty thuỷ điện và yêu cầu các đơn vị tập trung khắc phục. Đó là nhà máy thủy điện Hương Sơn ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) chưa được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành theo quy định. Quy trình vận hành hồ chứa nước thủy điện Hương Sơn chưa điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt theo quy định. Nội dung Báo cáo kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước chưa sát đúng với quy định. Bản đồ ngập lụt vùng hạ du của đập cần thực hiện công tác kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc bản đồ.
Cũng qua kiểm tra, một số phương tiện đo như đồng hồ áp suất, phương tiện đo lưu lượng mưa, phương tiện đo mực nước…chưa được kiểm định định kỳ theo quy định của pháp luật. Công tác diễn tập phòng chống thiên tai mới ở phạm vi nội bộ, chưa có sự phối hợp với chính quyền sở tại.
Đoàn công tác do Sở Công Thương Hà Tĩnh làm trưởng đoàn kiểm tra hồ chứa và Nhà máy thuỷ điện trên địa bàn trước mùa mưa bão năm 2021. |
Hay tại nhà máy thuỷ điện Hố Hô - công trình nằm giữa địa phận hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng tồn tại một số bất cập như, do lưu lượng nước về hồ chứa vào mùa khô rất nhỏ, nhà máy không đảm bảo việc duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã được Cục Quản lý Tài nguyên nước cấp. Đơn vị đã thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ đập, hồ chứa thế nhưng một số nội dung, hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định…
Qua rà soát, hiện nay Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô có một số nội dung chưa phù hợp với Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực Sông Cả, do vậy đề nghị bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với quy trình vận hành liên hồ. Cùng với đó là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng lòng hồ nhà máy thủy điện Hố Hô tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê đang có một số vướng mắc…
Cũng còn nhiều vướng mắc tồn tại, nhà máy thủy điện Kẻ Gỗ thuộc đập Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Tại thời điểm kiểm tra đơn vị chưa xuất trình được hồ sơ, thủ tục liên quan đến huấn luyện an toàn điện và thẻ an toàn điện của những người vận hành nhà máy, quản lý đường dây 35kV và trạm biến áp 4.000kVA - 6,3/35kV. Các trang thiết bị, dụng cụ như máy biến áp, máy biến dòng... đều quá hạn kiểm định định kỳ. Một số thiết bị như áp kế, đồng hồ áp suất, đồng hồ đo lưu lượng, 4 bình khí áp lực cao, palăng chưa được kiểm định định kỳ theo đúng quy định của pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra đơn vị chưa thông báo cho chính quyền sở tại biết việc thay đổi chủ đầu tư mới, chưa cung cấp các hồ sơ và giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện theo quy định, chưa cung cấp được hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất. Còn tại thực tế cho thấy một số hạng mục công trình xây dựng của nhà máy có dấu hiệu xuống cấp, nứt nẻ, sụp, vỡ, tường, cột có chỗ đã lòi cốt thép, hoen rỉ… đơn vị chưa thực hiện kiểm định định kỳ chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
Theo báo cáo, hiện Hà Tĩnh có 351 hồ chứa nước trong đó có 90 đập dâng với lưu lượng thiết kế lớn còn lại là các đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ. Ngoài cung cấp nước phục vụ sản xuất, các công trình này còn có nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ, giảm ngập úng cục bộ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa bão. Theo nhiều chuyên gia, đây là nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm thấp, độ phát thải nhà kính gần như không có. Mặt khác, hồ chứa nước của các đập thủy điện cũng đóng góp cho việc tích nước, cắt giảm và điều tiết lũ ở hạ du cũng như phục vụ một số nhu cầu phát triển tại các địa phương. Theo đó, các đơn vị chuyên môn tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi khẩn trương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Các đơn vị cũng rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập. Ngoài ra, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang thi công xây dựng công trình đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn.
Hiện nay, các đơn vị đã và đang gấp rút khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra |
UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị được tỉnh giao quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Đồng thời, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình được giao quản lý; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý được giao.
Đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh – ông Dương Thanh Hoà trưởng đoàn kiểm tra cho biết, công tác phát triển thủy điện nói chung cũng như quản lý về an toàn của đập, hồ thủy điện và sự vận hành của các công trình thủy điện đã luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm qua. Trong báo cáo chỉ rõ các dự án thuỷ điện đang triển khai ở Hà Tĩnh là những dự án có quy mô nhỏ, không chiếm dụng rừng tự nhiên, không ảnh hưởng đến dân cư; khai thác nguồn năng lượng sẵn có từ nguồn nước hồ chứa thủy lợi; tạo nguồn điện phục vụ Nhân dân, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện từ các hồ chứa nước thủy lợi sẵn có phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáp ứng tốt lịch tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản... cho hạ du theo các nhiệm vụ chính của dự án; không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình chính hiện hữu; không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên; khai thác triệt để tiềm năng thủy điện sẵn có từ các hồ chứa thủy lợi.
Thời gian tới, ngành Công thương Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung rà soát, đánh giá tổng thể lại hoạt động của các thủy điện, từ đó có căn cứ báo cáo để đưa ra biện pháp tiếp tục siết chặt quản lý trong công tác vận hành, cũng như đảm bảo an toàn để phát triển thủy điện một cách bền vững. Từ những biện pháp quản lý chặt chẽ đó, với động thái cương quyết xử lý các vi phạm từ các cơ quan chức năng, việc quản lý về an toàn hồ, đập thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân, đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên này.