Hà Nội yêu cầu chợ Long Biên tăng cường chống dịch Covid-19
Sáng ngày 14/8, Đoàn làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn TP Hà Nội do bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban quản lý chợ Long Biên.
Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chợ Long Biên |
Cung cấp thông tin cho đoàn kiểm tra, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên - ông Nguyễn Trọng Nghĩa - cho biết: Chợ Long Biên là chợ chuyên kinh doanh hoa quả nông sản thực phẩm, với trên 1.000 hộ kinh doanh, chợ hoạt động 24h/ngày, chủ yếu là về đêm. Lưu lượng hàng hóa giao thương lớn, người mua bán tập trung đông nhất là vào ngày tuần, rằm.
Để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, Ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền về cách phòng, chống dịch, bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của chợ 11 lượt/ngày. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc phối hợp với công đoàn, hội phụ nữ, cán bộ quản lý ngành phát 10.000 tờ rơi đến các hộ kinh doanh trên địa bàn chợ về cách phòng, chống dịch. Tuyên truyền đến cán bộ nhân viên và bà con kinh doanh, người dân giao thương tại chợ luôn đeo khẩu trang để bảo vệ mình và cộng đồng. Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại chợ như: hàng mã, hàng mũ nón, đồ điện, cắt tóc, gội đầu… hạn chế mở cửa, kinh doanh trong thời điểm này.
Để đảm bảo việc phòng, chống dịch, Ban quản lý chợ Long Biên cũng đã lắp 20 điểm rửa tay, bố trí 100 chai nước sát khuẩn, 300 chai nước rửa tay để các hộ kinh doanh, người giao dịch tại chợ thực hiện khử trùng; phát miễn phí 20.000 khẩu trang cho khách vãng lai và các hộ kinh doanh; trang bị 15 máy đo thân nhiệt, 4 máy phun thuốc dung tích 24 lít, 30 bình phun muối ion và 6 thùng thuốc sát trùng Hanko WS, muối ion khử trùng. Chiều thứ 6 hàng tuần, Ban quản lý chợ tổ chức phun thuốc phòng dịch và rắc vôi bột khử khuẩn trên toàn địa bàn chợ. Đặc biệt, hàng ngày, Ban quản lý chợ tổ chức phun thuốc phòng dịch cho 100% xe ô tô vào chợ (khoảng 100-200 lượt xe/ngày); tổ chức đo thân nhiệt cho tất cả bà con kinh doanh đến giao thương tại chợ…
Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại chợ Long Biên, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá cao sự chủ động của Ban quản lý chợ Long Biên trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Từ việc chủ động tuyên truyền về phòng chống dịch đến việc vệ sinh chợ hàng tuần, hàng ngày; phát khẩu trang, đo thân nhiệt, bố trí nước rửa tay sát khuẩn cho người đến kinh doanh, giao thương; phun khử khuẩn các xe chở hàng vào chợ; rà soát các hộ kinh doanh đi từ Đà Nẵng về để khai báo với cơ quan y tế đã được Ban quản lý làm rất chủ động, hiệu quả…
Nhấn mạnh việc nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội vẫn còn ở mức cao, bà Trần Thị Phương Lan yêu cầu Ban quản lý chợ Long Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đến giao thương và các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Phải hướng dẫn các hộ kinh doanh đeo khẩu trang đúng cách, yêu cầu mỗi quầy hàng đều phải bố trí nước rửa tay sát khuẩn và đeo găng tay khi buôn bán để tránh việc lây nhiễm. “Khi người dân, các hộ kinh doanh hiểu và tự giác phòng, chống dịch thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ được giảm thiểu”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ Long Biên cần tăng cường công tác phun khử khuẩn, vệ sinh chợ. 100% các xe ra, vào chợ phải được phun khử khuẩn. Mặc dù việc phun khử khuẩn sẽ làm chi phí của Ban quản lý tăng lên nhưng đây là việc làm cần thiết để hạn chế mầm bệnh. Đồng thời đề nghị bố trí đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, phòng chống dịch cho cán bộ nhân viên và thực hiện kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho các hộ kinh doanh, người dân đến giao dịch tại chợ.
Về công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng yêu cầu Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) phối hợp với Phòng kinh tế quận Ba Đình hỗ trợ Ban quản lý chợ Long Biên đẩy nhanh việc sắp xếp ngành hàng, sắp xếp số lô, số quầy để đẩy nhanh việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, ký cam kết an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ cần sắp xếp các quầy bán hàng hợp lý, không để lẫn lộn đồ tươi sống với đồ ăn chín, hoa quả để đảm bảo vệ sinh…