Thứ hai 12/05/2025 22:29

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thúc đẩy liên kết du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” sẽ được tổ chức vào ngày 27, 28/11/2020 tại Quảng Nam.

Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được đánh giá là đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của các vùng.

Theo đó, nội dung liên kết tập trung vào 4 nội dung chính, gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch. Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng để tăng tỉ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi toàn ngành.

Buổi Họp báo thông tin về Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Hà Nội ngày 18/11

Dự kiến, tại Diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế; Thỏa thuận hợp tác giữa các Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways) và Hiệp hội Du lịch 7 tỉnh, thành phố; các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Diễn đàn còn có các hoạt động khác, như: Diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm tìm kiếm các góp ý, giải pháp phát triển du lịch từ du khách, chuyên gia và bạn đọc đã diễn ra từ đầu tháng 11; Chương trình Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch “Business Matching”, nơi gặp gỡ trực tiếp, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, mua bán, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp cung ứng du lịch ưu tú tại các tỉnh miền Trung với các doanh nghiệp du lịch/lữ hành tại hai đầu đất nước; Chương trình chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến mới giữa các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết; Trưng bày, triển lãm giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong liên kết.

Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch liên vùng là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch. Ông Trần Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – khẳng định, thông qua liên kết mới có thể tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch và các nét độc đáo, khác biệt riêng của mỗi địa phương để phát triển các tiềm năng du lịch trở thành các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của địa phương mình; đồng thời tạo ra các sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, có chất lượng nhằm chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114km2, có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông, đường bộ, đường sắt, hàng không và biển; địa hình đa dạng, trải dài gần 600km bờ biển, hơn 228km2 biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào. Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát); 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội); nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp có hạ tầng tốt; sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh.

Đặc biệt, đây là vùng có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch; trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới, và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (3/5 đi sản văn hoá vật thể thế giới ở Việt Nam). Đây cũng là nơi giao thoa nhiều nền văn hoá thế giới, tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng. Ngoài ra toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em-những chủ nhân đã và đang xây dựng lên một bảo tàng văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Những lợi thế trên là cơ sở để Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có đầy đủ các yếu tố liên kết với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy nguồn khách du lịch nội địa và là hành trang để đón khách quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung - kỳ vọng, Diễn đàn lần này sẽ đánh dấu một bước liên kết mới (Bắc-Trung-Nam) nhằm mở rộng phạm vi liên kết hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục