Theo Sở Giao thông Vận tảiHà Nội, ô tô chỉ ra, vào vành đai 2 ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Vĩnh Tuy, không được quay đầu ở đường trên cao. Chỉ dẫn xe chạy đường trên cao là hệ thống sơn phân làn và biển báo. Người đi bộ, xe thô sơ, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự... không được đi trên vành đai 2 trên cao.
Hà Nội chính thức thông xe đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở toàn tuyến bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp |
Dự án vành đai 2 gồm hai hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe, vỉa hè rộng 4-6 m mỗi bên, đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đường trên cao dài hơn 5 km, rộng 19 m, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến vành đai 2 có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên xuống ở Ngã Tư Sở.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch TP Hà Nội cho biết, việc thông xe vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ góp phần giảm tải cho một trong những điểm nóng về ùn tắc nhiều năm qua. Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện vành đai 2,5; 3,5 và 4 đang được triển khai đồng bộ.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi giao thông trên các tuyến đường, nút giao trong khu vực ảnh hưởng, đặc biệt là nút giao Ngã Tư Sở. Nếu có vấn đề phát sinh, Sở Giao thông Vận tải cần lên phương án tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Hà Nội thông xe vành đai 2 trên cao |
Trước đó hai ngày, để chuẩn bị khánh thành vành đai 2 trên cao, thành phố đã tổ chức phân luồng lại nút giao Ngã Tư Sở. Phương tiện bị cấm rẽ trái theo hướng Láng - Tây Sơn. Các xe sẽ đi thẳng qua nút giao và rẽ trái tại điểm quay đầu đường Trường Chinh, sau đó rẽ phải về Tây Sơn. Phương tiện cũng không được đi thẳng phía dưới cầu vượt Ngã Tư Sở để ra đường Tây Sơn mà đi thẳng bằng cầu vượt hoặc rẽ phải về đường Trường Chinh rồi rẽ phải để đi Tây Sơn.
Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch dài hơn 43 km, mặt cắt 50 - 72,5 m, là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín. Hiện nay, vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32 km, trong đó có ba cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù. |