Hà Nội: Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nhiều cơ sở, DN được hỗ trợ tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế |
Hoàn thành sớm nhiệm vụ
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, tính đến đầu tháng 12/2016 khuyến công Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, trung tâm đã tổ chức 110 lớp truyền nghề cho 3.850 lao động, nhân cấy nghề cho 32 làng thuần nông. Kết quả, 100% làng được cấy nghề đã duy trì sản xuất, 80% số lao động học nghề được bố trí việc làm tại các DN, cơ sở sản xuất.
Trung tâm cũng đã tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Hà Nội năm 2016 với quy mô 630 gian hàng, thu hút trên 2.500 khách thương mại, trong đó có 605 nhà nhập khẩu nước ngoài đến thăm quan và giao dịch, 10 hợp đồng xuất khẩu trực tiếp được ký kết với giá trị trên 300.000 USD. Trung tâm cũng đã tổ chức và hỗ trợ 34 cơ sở, DN tham gia Hội chợ quốc tế TCMN và trang trí nội thất tại Singapore, Hội chợ quốc tế TCMN Megashow part I tại Hồng Kông và Hội chợ quốc tế Foire D’Automne năm 2016 tại Pháp. Kết quả, đã có 10 đơn vị ký được hợp đồng xuất khẩu, tổng trị giá ước đạt 550.000 USD.
Đặc biệt, khuyến công thành phố đã dành nhiều nguồn lực khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện 10 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng, sau khi đề án được triển khai và đi vào hoạt động đã giúp năng suất tăng bình quân 150%; chất lượng sản phẩm đồng đều; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn; góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề…
Theo đánh giá chung, trong năm vừa qua, hoạt động khuyến công của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân khu vực nông thôn. Nhiều nội dung hoạt động khuyến công đạt kết quả tốt. Số lượng các cơ sở sản xuất, làng nghề được hỗ trợ ngày càng tăng. Riêng năm 2016 đã có 810 cơ sở, 56 nghệ nhân được hỗ trợ trực tiếp từ hoạt động khuyến công… Đáng chú ý, trong năm 2016, ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, khuyến công Hà Nội đã thu hút hơn 20 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.
Nhiều mục tiêu lớn cho năm 2017
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hà Nội đặt nhiều mục tiêu lớn cho công tác khuyến công trong năm 2017. Theo đó, sẽ có từ 800 - 1.000 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ; tạo thêm khoảng 10.000 việc làm; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN Hà Nội tăng 8 - 10% so với năm 2016; tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực TCMN.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cũng sẽ tổ chức 100 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 3.500 lao động nông thôn; hỗ trợ 10 DN, cơ sở sản xuất CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; tư vấn khởi sự thành lập 200 DN làng nghề; hỗ trợ 15 DN, cơ sở sản xuất thiết kế mẫu sản phẩm mới.
Để hoàn thành mục tiêu trên, trung tâm sẽ triển khai kế hoạch ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm; tăng cường phối hợp với phòng Kinh tế các huyện, thị xã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khảo sát cơ sở nhận hỗ trợ; xây dựng tiêu chí lựa chọn các đơn vị thụ hưởng trình Sở Công Thương phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội: Năm 2017, thông qua chương trình khuyến công, Hà Nội sẽ tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn; tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực TCMN từ các hoạt động khuyến công; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN tăng 8 - 10% so với năm 2016... |