Hà Nội: Gia tăng tiêu dùng và phân phối xanh
Triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2019 - 2030, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu hao nguyên - nhiên vật liệu trong sản xuất, hệ thống phân phối thương mại không sử dụng túi nilon...
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tại Hà Nội đã có những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu túi nilon sử dụng một lần khó phân hủy.
Giám đốc điều hành hệ thống Go/BigC vùng Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong nhận định, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ngày càng rõ nét. Sản phẩm có quy trình sản xuất hoặc đóng gói bao bì thân thiện với môi trường thường mang lại sức cạnh tranh cao hơn cho doanh nghiệp. “Theo báo cáo gần đây của BigC, 31% khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm hỗ trợ bảo vệ môi trường” - ông Phong cho hay.
Xu hướng tiêu dùng xanh tại BigC ngày càng gia tăng khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (Chương trình SCP). Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Chương trình SCP.
Theo đó, thông tin truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh; hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn có các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và dịch vụ; tổ chức các chuỗi kết nối sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh thân thiện môi trường.
Theo đó, Hà Nội đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững theo từng lĩnh vực như: Dệt may, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không, phân phối bán lẻ… Thông qua mạng lưới, chương trình kêu gọi sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phát triển bền vững; thực hành lối sống "không rác thải" trong đời sống, sinh hoạt; xây dựng mô hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải; sản phẩm xanh, tái sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn nhãn sinh thái.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Sở cũng đã phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp thông qua kiểm toán năng lượng tại 58 cơ sở… Những hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững; gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.