Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 50 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Ngày 17/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với UBND thành phố (TP) về kết quả thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển chuỗi trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội- phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 1.630 chuỗi và 2.991 điểm bán hàng, trong đó, Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi (chiếm 8,8% tổng số chuỗi của cả nước) với 70 điểm bán. Hà Nội và 21 tỉnh, TP cung cấp sản phẩm cho Hà Nội là 786 chuỗi (chiếm 48%) với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi (22%). Như vậy, chỉ có 21 tỉnh, TP cung cấp sản phẩm cho Hà Nội (chiếm 1/3 số tỉnh thành trong cả nước) thì số lượng chuỗi cung cấp cho Hà Nội đã triển khai đạt gần 50% số chuỗi trên cả nước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong việc triển khai chương trình phối hợp chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản cho TP. Hà Nội mà chương trình đã thực hiện trong giai đoạn 2015-2020.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt ATTP được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng, đó là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại Hà Nội. Việc tạo ra sản phẩm ATTP được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp ra tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện tích trên địa bàn cả nước.
Giai đoạn 2021-2025, TP đưa ra mục tiêu hỗ trợ phát triển, xây dựng 50 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của TP. 100% các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ xây dựng một số mô hình chuỗi trong các lĩnh vực đặc thù để thí điểm. Ngoài ra, TP cũng sẽ hình thành hệ thống chợ đầu mối để kiểm soát được đầu vào, nguồn gốc cũng như kiểm soát được ATTP….
Cũng theo ông Quyền, sản phẩm để xây dựng chuỗi của Hà Nội có rất nhiều. Tuy nhiên, TP mong muốn Bộ NN&PTNT có định hướng tập trung xây dựng chuỗi vào một số vùng, lĩnh vực phù hợp với tính chất của nông nghiệp Thủ đô. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng các chợ đầu mối quy mô lớn cấp vùng. Cùng với đó, Hà Nội đang thúc đẩy xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc lớn; các nhà máy giết mổ, chế biến thịt hiện đại, TP mong Bộ NN&PTNT giới thiệu các doanh nghiệp để hợp tác.
Đồng ý với Hà Nội về chủ trương chỉ nên xây dựng các chuỗi ở một số lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản chứ không làm dàn trải, mô hình đã xây dựng là phải thành công, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho hay, chủ trương của ngành nông nghiệp không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu, mà các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng sẽ tiến tới được cấp mã số vùng trồng, sản xuất an toàn. Ông Trần Thanh Nam đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Hà Nội xác định chủ thể tham gia chuỗi để có hỗ trợ cụ thể. Về đề nghị của TP. Hà Nội trong việc kết nối các doanh nghiệp lớn xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ, Bộ NN&PTNT tiếp thu và sẽ trao đổi lại với các tập đoàn lớn….