Thứ hai 21/04/2025 15:56

Hà Nam: Mở lối phát triển nấm linh chi dược liệu

Nhiều nông dân tỉnh Hà Nam đang từng bước làm chủ kỹ thuật, mở lối phát triển bền vững mô hình trồng nấm linh chi dược liệu của địa phương.

Nấm linh chi hữu cơ đắt khách

Những năm gần đây, trước yêu cầu đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn thử nghiệm các mô hình sản xuất mới, trong đó trồng nấm linh chi theo hướng hữu cơ bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét.

Chị Nghiêm Thị Thủy đang thu hoạch nấm linh chi từ trang trại. Ảnh: Lê Vân

Một trong những hộ tiên phong là gia đình chị Nghiêm Thị Thuỷ (xã Liêm Cần, Thanh Liêm). Từ năm 2014, bên cạnh mô hình nấm ăn truyền thống, chị đã bắt đầu trồng thêm nấm linh chi nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế.

Với khoảng 10.000 bịch phôi nấm linh chi, trang trại của gia đình chị Thuỷ đã duy trì sản lượng ổn định với 250kg nấm khô/năm. Đặc biệt, sản phẩm nấm linh chi của gia đình chị đã đạt chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trao đổi với Báo Công Thương, chị Nghiêm Thị Thủy cho hay, với giá bán dao động từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ các loại chi phí, nếu môi trường và điều kiện canh tác ổn định, mỗi tháng tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng”. "Dù chưa đầu tư hệ thống tự động, nhưng nhờ kiểm soát thủ công kỹ lưỡng, năng suất nấm linh chi tại trại vẫn duy trì ổn định qua các vụ"- chị Thuỷ cho biết.

Tương tự, gia đình anh Vũ Mạnh Trung (xã Thanh Thuỷ, Thanh Liêm) cũng là một trong những hộ đang duy trì mô hình trồng nấm linh chi dược liệu. Trên diện tích khoảng 100m2, anh Trung hiện chăm sóc khoảng 4.000 bịch phôi mỗi vụ, cho sản lượng trung bình từ 80 - 100kg nấm khô/năm. Với mức giá tương đương sản phẩm cùng mô hình trong huyện, sau khi trừ chi phí, mô hình này đem lại nguồn thu ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Vũ Mạnh Trung khi bước vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh nhân vật cung cấp

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, anh Vũ Mạnh Trung cho hay dù chưa xây dựng thương hiệu chính thức, sản phẩm của gia đình anh vẫn được nhiều khách hàng tìm đến nhờ chất lượng ổn định và phản hồi tích cực qua kênh truyền miệng và các nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất nấm thô, các hộ dân cũng đang tích cực nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm trà nấm linh chi với đặc điểm là vị ngọt dịu, thay vì đắng đặc trưng của nấm. Việc nghiên cứu này không chỉ giúp nâng cao giá trị của nấm linh chi mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những khách hàng ưa chuộng các sản phẩm dược liệu dễ sử dụng, như trà túi lọc.

Bên cạnh đó, dù còn gặp một số thách thức trong khâu chế biến sâu và xây dựng thương hiệu chung, các hộ trồng nấm linh chi tại Hà Nam đang từng bước thích nghi và tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm hiện đã được đóng gói tỉ mỉ, có QR code, nhãn OCOP và thương hiệu rõ ràng, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn.

Thay vì chạy theo số lượng, người dân lựa chọn hướng đi “chậm mà chắc”, đồng thời, chú trọng vào chất lượng và giữ vững uy tín. Chính phương pháp này đã giúp nấm linh chi Hà Nam dù vướng những rào cản về tiêu thụ và thương hiệu, vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt là giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm từ các địa phương có thương hiệu lâu năm như Đà Lạt, Kon Tum hay nấm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hướng tới liên kết, phát triển bền vững

Dù được đánh giá là loại dược liệu có giá trị cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, song các mô hình hiện nay vẫn chỉ phát triển đơn lẻ, thiếu liên kết vùng và đặc biệt là chưa có thương hiệu chung mang tính nhận diện cho sản phẩm nấm linh chi Hà Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam, nấm linh chi tại địa phương có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, việc buôn bán chủ yếu theo hình thức tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh khiến đầu ra chưa thực sự ổn định.

Sản phẩm nấm linh chi Liêm Cần. Ảnh: Lê Vân

Việc xây dựng thương hiệu chung cho nấm linh chi Hà Nam là yêu cầu cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam sẽ tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất trong công tác xúc tiến thương mại, như tuyên truyền tại hội nghị, lễ hội lớn trong tỉnh, kết nối đầu mối thu mua và đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, để thương hiệu có thể phát triển bền vững, việc tổ chức xúc tiến cần đi đôi với nâng cao năng lực sản xuất. Bởi, thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng các chế phẩm từ nấm linh chi như trà túi lọc, cao linh chi, bột… ngày càng tăng. Song, người sản xuất vẫn gặp khó do thiếu công nghệ chế biến, máy móc bảo quản và kiến thức thị trường.

Việc tạo điều kiện để các hộ dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, đồng thời tiếp cận với các thông tin thị trường sẽ là một trong những ưu tiên trước mắt. Nếu được định hướng đúng, nấm linh chi hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm chủ lực trong nhóm nông sản dược liệu đặc trưng của Hà Nam.

Với điều kiện khí hậu, nguồn nguyên liệu sạch và tay nghề nông dân dày dặn kinh nghiệm, Hà Nam hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nấm linh chi chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu nếu được đầu tư bài bản về công nghệ, thương hiệu và kênh phân phối.
Lê Vân
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nam

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ: Kết nối giáo dục, y tế

Cần Thơ hợp nhất: Cơ hội bứt phá cho ngành chế biến nông sản

Lai Châu: Khai mạc kỳ họp chuyên đề xem xét nhiều nội dung quan trọng

Quảng Bình: Phát triển khu công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm

Cựu binh Đà Nẵng hiến đất mở đường, góp xây quê hương

Cần Thơ ‘chuyển mình’ với xu hướng thanh toán không tiền mặt

Lắng nghe người dân, Quảng Nam lấy ý kiến lại về tên gọi xã, phường

Long trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bình Thuận

Thái Bình: Chi tiết tên gọi dự kiến 65 xã, phường mới sau sắp xếp

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Sau sắp xếp, tỉnh Thái Bình dự kiến sẽ có 65 xã, phường

Cà Mau khởi công, khánh thành 3 dự án gần 6.400 tỷ

Thanh Hóa sẽ có 7 phường với tên gọi Hạc Thành 1-4, Đông Sơn 1-3

Lịch cúp điện Tiền Giang từ ngày 20-22/4/2025 mới nhất

Điện Biên tri ân những người làm nên mùa Xuân đại thắng

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Điện Biên: Khởi công khu tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Cường

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm

Vĩnh Phúc: Khởi công dự án nhà ở xã hội Kira Home

Hợp long cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre