Thứ bảy 23/11/2024 17:53

Hà Giang: Khẩn trương khắc phục mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân

Do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài nhiều xã trên địa bàn TP. Hà Giang, huyện Xín Mần, Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc bị ngập lụt trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủ văn quốc gia, từ đêm 8/6 đến 10/6 các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ đã xuất hiện mưa lớn với 2 tâm mưa. Tâm mưa ở khu vực tỉnh Hà Giang, lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi trên 400mm (từ 19 giờ ngày 8/6 đến 13 giờ ngày 10/6 lượng mưa tại Xã Quảng Ngần, Vị Xuyên 447 mm; Tân Lập, huyện Bắc Quang 381,2mm; xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên 354mm...). Đây là lượng mưa lớn trong tháng 6 này, mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang dầm mình dưới dòng nước giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Báo Hà Giang

Ông Nguyễn Đình Hợp - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Giang cho biết: "Trận lũ sáng 10/6 tại Hà Giang còn cách đỉnh lũ lịch sử xấp xỉ 2 mét. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trận lũ lớn hiếm gặp trong vòng 30 năm trở lại đây. Từ năm 1994 trở lại đây thì có năm 2014 và năm nay xảy ra lũ lớn. Đỉnh lũ sáng nay cao hơn năm 2014 khoảng 0,4m. Trận lũ về trong đêm và sáng 10/6 gây ngập lụt diện rộng ở TP. Hà Giang. Nhiều người dân không kịp di chuyển tài sản do lũ lên quá nhanh".

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mưa lũ làm 3 người chết. Thiên tai khiến trên 1.000 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó TP. Hà Giang có gần 1.000 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà; huyện Vị Xuyên có 172 nhà bị thiệt hại (2 nhà sập hoàn toàn); Bắc Quang có 147 nhà bị ngập úng; Bắc Mê 4 nhà có nguy cơ sạt lở; Xín Mần có 3 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị sập hoàn toàn); Yên Minh 4 nhà; Đồng Văn 7 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị sập hoàn toàn). Mưa lũ khiến trên 221ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhất tại huyện Vị Xuyên 69,62ha, Bắc Mê gần 42ha, Bắc Quang 23,5ha, TP. Hà Giang 15ha; trên 19ha ao nuôi cá bị thiệt hại tại các huyện: Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên; hàng trăm con gia súc, gia cầm, tài sản khác của người dân bị lũ cuốn trôi.

Đặc biệt, mưa lũ diện rộng khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị hư hỏng nặng, ách tắc giao thông. Quốc lộ 34 ngập úng tại các vị trí Km2+300, Km3+400 với chiều cao mực nước ngập từ 0,8m - 1,2m; tại vị trí đường tràn Km18+900 ngập trên 0,8m. Quốc lộ 279 (Pắc Há – Liên Hiệp) ngập úng tại các vị trí: Km10+800, Km11+400 với mực nước ngập gần 1m; Quốc lộ 4C ngập úng tại các vị trí: Km3+800; Km6+00; Km10+300 với mực nước ngập từ gần 1m. Tại vị trí Km20+278,47 - Km20+310, thuộc phạm vi dự án xử lý vị trí nguy cơ mất ATGT đoạn Km19+500 - Km21+300 QL.4C (địa phận xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên) đất, đá sạt lở vượt qua hàng rào lưới B40 xuống đường, khối lượng ước tính 1.500 m3, hiện tại đất, đá trên taluy dương vẫn tiếp tục sạt lở xuống nền, mặt đường, các viên đá tảng kích thước lớn nằm trên mái taluy có thể lăn xuống đường bất cứ lúc nào, đồng thời trên đỉnh taluy dương có vị trí cột điện số 26 đường dây 110 kV sông Miện - Yên Minh, có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện và an toàn giao thông.

Mưa lũ cũng gây ngập tầng 1 của 4 trường mầm non, tiểu học tại TP. Hà Giang; 1 công trình kè, 1 đường ống cấp nước bị hư hỏng, trên 100 xe máy, 60 xe ô tô bị ngập nước, nhiều ti vi, tủ lạnh, máy giặt của người dân bị hư hỏng do nước lên nhanh không kịp di dời. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trên 24 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Hà Giang ngập sâu trong biển nước.

Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Giang, các huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo, huy động lực lượng dân quân tại chỗ, dân quân thường trực để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Tiếp tục tổ chức rà soát những hộ bị thiệt hại và những hộ nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất đá, sụt lún di chuyển nhà đến nơi đảm bảo an toàn.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã kịp thời huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan Bộ Chỉ huy và Tiểu đoàn huấn luyện - Cơ động đến các điểm bị ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng do mưa lớn, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn ứng cứu, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân di dời các vật dụng, đồ dùng gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ngập úng, khơi thông dòng chảy, khắc phục úng lụt, hướng dẫn, giúp đỡ người dân di chuyển tránh các khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở...

Ở các tuyến đường bị nước dâng cao, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ phân luồng, hỗ trợ giúp người dân di chuyển phương tiện.

Tại huyện Xín Mần, nhiều địa phương bị ngập úng, sạt lở đất đá gây thiệt hại tài sản, nhà cửa của người dân… các lực lượng quân sự, biên phòng, công an trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân.

Tại TP. Hà Giang, nơi ghi nhận trận lũ lịch sử, gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang cùng các phương tiện như xe đặc chủng, xuồng máy, xuồng cao su và nhiều phương tiện khác thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại điểm ngập sâu. Mưa lớn xảy ra khiến nhiều du khách khi đến Hà Giang bị mắc kẹt, đặc biệt tại huyện Mèo Vạc có khoảng 1.000 du khách bị mắc kẹt do mưa lũ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Hà Giang đã huy động tối đa lực lượng tham gia ứng trực, hỗ trợ kịp thời. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông đã huy động trên 100 cán bộ làm việc xuyên đêm, sử dụng ô tô chuyên dụng, ca nô, thuyền trực tiếp hỗ trợ đưa người dân cùng toàn bộ du khách đến nơi an toàn.

Các lực lượng chức năng, đơn vị đang thi công tuyến đường đã trắng đêm canh lũ, đặt biển chỉ dẫn, căng dây cảnh báo, chốt chặn tại đầu tuyến đường xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới, tuần tra trên các trục đường, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ kịp thời cho người dân và du khách.

Công an tỉnh Hà Giang đã điều xe đặc dụng xuống những nơi trọng yếu tham gia giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử này.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do mưa lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét.

Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời cảnh báo đến người dân làm giảm các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Đồng thời yêu cầu, sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người…

Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: Dự báo thời tiết

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Hòa Bình đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành

Bắc Ninh bàn giải pháp gỡ khó cho phát triển và quản lý chợ

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024