Gỡ "ách tắc" chuỗi nông sản vùng dịch Covid-19: Cần thống nhất quy định về lưu thông hàng hóa
Đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gà đồi Chí Linh
Theo văn bản do ông Nguyễn Văn Kiên- Chủ tịch UBND TP Chí Linh (Hải Dương), ký ngày 21/2 gửi Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP Chí Linh, tổng đàn gia cầm, chủ yếu là gà đồi Chí Linh, có 650.000 con, tương đương khoảng 1.625 tấn.
Gà đồi Chí Linh được người dân đầu tư nuôi để phục vụ các thị trường chính gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... Sản lượng tiêu thụ mạnh nhất là vào tháng Chạp và tháng Giêng hàng năm, đây là thời điểm Tết Nguyên đán cũng như nhiều lễ hội du xuân đầu năm có nhu cầu lớn về thực phẩm thịt gà.
Từ khi Hải Dương công bố giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, việc đi lại của các thương lái gặp nhiều khó khăn, gà đồi Chí Linh gần như không tiêu thụ được. Theo đó, UBND TP.Chí Linh đề nghị nghị Sở Công Thương TP Hà Nội kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Chí Linh để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện, giá gà đồi Chí Linh đang ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg, tính ra người chăn nuôi đang chịu lỗ từ 20.000 - 30.000 đồng mỗi con gà.
Khoảng 650.000 con gà đồi Chí Linh đến kỳ xuất bán, tương đương khoảng 1.625 tấn bị dồn ứ, ách tắc bởi dịch Covid-19 |
Cùng với văn bản UBND TP Chí Linh gửi Sở Công Thương Hà Nội, trong những ngày vừa qua, Hiệp hội chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh (Hải Dương) cũng đang phối hợp với nhiều cơ quan ban, ngành trong tỉnh tìm mọi giải pháp tiêu thụ gà đến thời kỳ xuất bán. Gà đồi Chí Linh được giết thịt đưa đến tiêu thụ tại các bếp ăn dã chiến phục vụ lực lượng phòng chống dịch, người dân vùng phong toả, cách ly. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng liên hệ đặt mua để tặng gà cho nhân viên, nhưng sản lượng tiêu thụ mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 10 tấn.
Theo Hiệp hội chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh, thường ngày gà của Thành phố Chí Linh chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương lái. Từ khi dịch Covid- 19 bùng phát, thương lái không vào được đã khiến việc tiêu thụ gà đồi bị "đóng băng". Mặc dù các văn bản hiện nay đều chủ trương tạo điều kiện thuận lợi thông thương, nhưng thực tế, các quy định chống dịch rất chặt chẽ mà thương lái rất khó đáp ứng. Cụ thể, lái xe, thương lái phải có xét nghiệm với kết quả âm tính với Covid-19. Nhưng thực tế, để tiếp cận xét nghiệm được là không dễ, nhất là ở các địa phương đang có dịch. Bên cạnh đó, mỗi kết quả xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong khoảng 3 ngày.
Đề nghị thống nhất quy định về lưu thông hàng hóa
Trước gà đồi Chí Linh, rất nhiều rau, củ, nông sản của Hải Dương đã được các doanh nghiệp phân phối và nhóm tình nguyện đã chung tay “giải cứu”. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp bán lẻ và nhóm tình nguyện có chung phản ánh: Hiện vận chuyển nông sản từ Hải Dương về Hà Nội tiêu thụ qua một số tuyến đường gặp nhiều khó khăn bởi những tỉnh giáp ranh Hải Dương hạn chế không cho lưu thông hoặc phải tự cách ly tại nhà từ 14 - 21 ngày. Lái xe tìm cung đường khác để đưa hàng hóa đi tiêu thụ nên tăng chi phí vận chuyển.
Để hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp bán lẻ có chung kiến nghị, các tỉnh, thành giáp ranh Hà Nội cần tạo điều kiện cho những phương tiện vận chuyển nông sản đáp ứng đúng quy định phòng dịch Covid-19 được lưu thông qua các chốt kiểm soát hoặc lập đội xe trung chuyển từ Hải Dương đến tỉnh, thành giáp ranh từ đó vận chuyển về Hà Nội.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, nhóm tình nguyện, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản số 692/SCT-QLTT gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công an Hà Nội đề nghị hỗ trợ các phương tiện chở hàng hóa nông sản Hải Dương lưu thông thuận lợi trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện các hệ thống phân phối vẫn đang nỗ lực hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, trung bình khoảng 100 tấn/tuần. Hàng hoá và xe vận chuyển đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng. Nhưng cũng do việc kiểm soát kỹ nên tiến độ vận chuyển chậm, các hệ thống phân phối muốn hỗ trợ tiêu thụ nhiều hơn cũng khó.
Trước tình hình hàng tấn gà thương phẩm ế ẩm không bán được, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đang liên hệ các cơ sở giết mổ tập trung, đề nghị các cơ sở này chung tay để kiểm dịch, sơ chế, đóng gói gà và chuyển đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, vận động, đề nghị các cơ quan, công sở, đoàn hội, khu dân phố trên địa bàn mua ủng hộ cho bà con. Qua trao đổi, đã có một số cơ sở giết mổ lớn đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ không lấy lãi.
Liên quan đến vấn đề lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay; Chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài....
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kinh nghiệm để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng chống Covid-19 hiệu quả.