Giống nhãn tím “lừng lẫy” một thời ở miền Tây giờ ra sao?
Cách nay chừng 10 năm, cây giống nhãn tím có giá từ 1 triệu đồng/cây nhưng nguồn cung luôn thiếu hụt, trái thì chín không kịp bán. Ngay khi mới xuất hiện ở vùng cây trái Đồng bằng sông Cửu Long, nhãn tím tạo được sức hút đặc biệt bởi sự mới lạ và màu sắc độc đáo của nó.
Giống nhãn tím ban đầu được ông Trần Văn Huy ở xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng phát hiện, nhân rộng |
Hôm trước thấy người bạn làm vườn ở Hậu Giang đăng ảnh trên mạng, cười toe toét bên chùm nhãn tím, tôi nhắn tin hỏi giá cả ra sao. Bạn không nhắn trả lời như mọi khi mà gọi điện, nói luôn: Nhãn này trồng vài gốc ngắm trái cho vui chứ ăn uống, bán chác gì!
Vuột mất cơ hội làm giàu
Người được “trời cho” cây giống nhãn tím là ông Trần Văn Huy (70 tuổi, ở xã cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Tháng 6/2012, tôi tình cờ gặp người cháu của ông Trần Văn Huy đem theo đúng 1 chùm nhãn tím cân nặng chưa tới 1kg trưng bày trong “Ngày hội sông nước miệt vườn” tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Thấy rất lạ, tôi chụp ảnh, đưa tin cho báo chí. Ngay sau đó tôi tìm đến nhà ông Huy, biết thêm bao điều thú vị quanh giống nhãn độc đáo này.
Ông Huy cho biết ông phát hiện ra giống nhãn tím trước đó, tính từ năm 2012, gần chục năm rồi. Vì sợ kẻ xấu trộm giống cây quý nên ông bảo mật thông tin rất kỹ. Không chỉ vậy, ông còn nuôi cả một đàn chó tinh khôn, ngày đêm hỗ trợ con cháu trong nhà trông giữ.
Ông kể, ban đầu nó chỉ là một nhánh nhỏ mọc ra từ thân cây nhãn long (trồng phổ biến tại địa phương) bên hiên nhà nhưng có đặc điểm khác lạ, vỏ và lá cây đều màu tím.
Chiết cành trồng thử, ông Huy không ngờ cây phát triển bình thường, cho trái có màu sắc độc lạ.
Thương lái nghe tin đồn tìm đến, trái chín bao nhiêu cũng mua hết, giá cao gấp 5 lần so với nhãn thông thường. “Mà số lượng trái bán ra cũng đâu có nhiều, vì tôi chỉ nhân giống, trồng xung quanh nhà được chục cây nhãn thôi”, ông nói.
Theo các nhà vườn, so với nhiều loại nhãn khác, điểm trừ của nhãn tím là trái thưa, không có mùi thơm, hạt to, cơm mỏng, nhiều nước |
Ông Huy cho biết thêm gia đình ông có khu vườn rộng 4 công (4.000m2) cách chỗ ở không xa, ông không muốn mở rộng diện tích trồng nhãn tím vì sợ bị đánh cắp giống cây.
Tôi đem chuyện ông Huy trao đổi với các nhà vườn, ai cũng xuýt xoa: Ông Huy vuột mất cơ hội làm giàu rồi, nếu 4 công đất chuyên canh nhãn tím, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 8 tấn trái, thành triệu phú mấy hồi. Đó là chưa kể, tiền bán cây giống cho thu nhập còn nhiều hơn nữa!
Nhiều người trồng nhãn tím chỉ vì hiếu kỳ |
Tiếc cho nhãn tím
Từ năm 2012, giống nhãn tím “trời cho” của ông Trần Văn Huy được chú ý nhờ xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người lùng mua cây giống, do hiếm hoi nên nguồn cung luôn thiếu hụt. Cũng trong năm đó, ông Huy quyết định ký hợp đồng “độc quyền” cung cấp cây giống cho một đầu mối với giá 1 triệu đồng/cây, thời gian 2 năm, số lượng không hạn chế.
Với 6 gốc nhãn tím (5 đến 10 năm tuổi) và 4 gốc nhãn mới trồng 2 năm, ông Huy tính toán nếu chiết cây theo kiểu xả tàng (chiết gần như toàn bộ nhánh), ông sẽ xuất bán được khoảng 200 nhánh nhãn giống trong đợt đầu.
Lúc ấy hỏi sao không làm hồ sơ xin cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu độc quyền, ông Huy than không có tiền lo chi phí và thấy thủ tục quá… rờm rà.
Sau này cây giống nhãn tím được bán ra rộng rãi, ít nghe ông Huy nhắc lại cái “hợp đồng độc quyền ấy” nữa. Giống nhãn tím “trời cho” của ông đã trở thành sản phẩm của cộng đồng. Ban đầu giá cây giống cao ngất ngưởng, từ 1 triệu đồng/cây, đến năm 2020 còn khoảng 350.000 đồng/cây, giờ 25.000 đồng/cây chào bán khắp nơi cũng ít người mua.
Nhãn tím chỉ xuất hiện trong các sự kiện quảng bá nông sản của địa phương chứ ít có trên thị trường tiêu thụ vì không được ưa chuộng |
Hiện nay khắp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều người trồng nhãn tím như người bạn làm vườn của tôi ở tỉnh Hậu Giang, chỉ trồng vài gốc “cho vui” chứ ít ai dám bỏ tiền đầu tư trồng mở rộng.
Thực tế cho thấy so với các loại nhãn khác như nhãn xuồng, nhãn da bò, nhãn ido, thanh nhãn… nhãn tím chỉ được màu sắc bên ngoài chứ năng suất và chất lượng đều không sánh bằng; hiệu quả kinh tế lại càng thua xa vì nhãn tím gần như không có mặt trên thị trường tiêu thụ.
“Điểm trừ của nhãn tím là trái thưa, không có mùi thơm, hạt to, cơm mỏng, nhiều nước”, ông Trần Duy Khang ở xã Bình Khánh, huyện Mõ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chia sẻ.
Cũng như nhiều nhà vườn mà tôi đã gặp, ông Trần Duy Khang cảm thấy tiếc cho nhãn tím. Tiếc, vì hơn 10 năm qua, nhãn tím không được các nhà khoa học, các viện nghiên cứu phát triển để cho cho ra đời giống nhãn mới đạt năng suất, chất lượng, đủ sức cạnh tranh với trái cây cùng loại của các nước trong khu vực.