Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường |
Thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, thông tin về các vụ việc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bị phanh phui với giá trị hàng hóa lên tới hàng chục tỷ đồng khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang như: Sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong; sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS; sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre Vinaca hay sản phẩm lụa tơ tằm của Công ty Tập đoàn Khải Silk…
Bên cạnh những vụ việc lớn, được dư luận quan tâm, thì hàng ngày, hàng giờ trên thị trường, các vụ việc hàng giả, xâm phạm quyền SHTT cũng liên tục được phát hiện. Con số 4.164 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT được riêng lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý trong 9 tháng năm 2018 là minh chứng rõ nét, gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này.
Hàng giả và xâm phạm SHTT diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực, từ nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công, hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng đến các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao…
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi. Đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối cung cấp bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó, đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Nếu có yêu cầu, hàng giả sẽ được gắn nhãn mác, giao cho khách hàng đặt mua, không tích trữ chờ tiêu thụ...
Đáng chú ý, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền SHTT có nguồn gốc nước ngoài, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp.
Hệ lụy khôn lường
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết, mặc dù hiện nay, Chính phủ phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng, như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát tuyến biên giới, cửa khẩu; công an, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm trong nội địa; thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, số vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn gia tăng hàng năm. 6 tháng đầu năm 2018, số vụ vi phạm hàng giả, vi phạm SHTT trên cả nước tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Petrolimex diễn ra khá phổ biến |
Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư, kinh doanh, triệt đường phát triển của các DN...
Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - diễn biến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn tồn tại và đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, biên giới, nhất là mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe dân sinh, môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ do những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng mà còn từ chính những bất cập trong khâu quản lý, quy định chồng chéo về mặt hàng nhãn mác, chất lượng… đặc biệt, sự thiếu trách nhiệm của DN (chủ thể sở hữu mặt hàng) và người tiêu dùng.
Nỗ lực vì một thị trường “sạch”
“Cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của DN sản xuất, kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội. DN cần chủ động, tích cực tham gia chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm cùng với việc hướng dẫn cho người tiêu dùng phân biệt “hàng thật – hàng giả”, đặc biệt người tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Bên cạnh đó, chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ tính năng, xuất xứ, công dụng giá cả của sản phẩm; yêu cầu có hóa đơn; thu thập và thực hành kinh nghiệm về mua, sử dụng sản phẩm; nên mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của DN có thương hiệu; phát hiện và thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng về địa điểm sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng... Đặc biệt, người dân nên tham gia tích cực vào phong trào mua hàng Việt Nam có chất lượng.
Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT; tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn nữa. n
Năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng, hiệp hội và DN kiểm tra và xử lý trên 19.000 vụ vi phạm; trong đó, 278 vụ giả về chất lượng, công dụng, 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì, 395 vụ giả về tem, nhãn, bao bì hàng hóa, 608 vụ xâm phạm quyền SHTT, 15.067 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. |
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Cộng đồng chung tay thực hiện |
Chống hàng giả, hàng lậu- Bất cập văn bản pháp lý vừa ban hành đã sửa |