Thứ tư 25/12/2024 00:51

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Sau bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng được dự đoán sẽ biến động mang tính trung và dài hạn, chứ không phải ngắn hạn. Còn chứng khoán vẫn khó kiếm tiền.

Bầu cử Tổng thống Mỹ không tác động đến giá vàng trong ngắn hạn

Thông tin được các chuyên gia, nhà phân tích kinh tế đưa ra tại talkshow “Vàng lập đỉnh, chứng khoán èo uột: Đâu là cơ hội?” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 5/11 cho thấy, bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không có nhiều tác động đến giá vàng trong ngắn hạn.

Cụ thể, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank đưa ra thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, trong 4 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, giá vàng không có biến động nhiều. Thay vào đó, mức độ tác động đến giá vàng sẽ mang tính chất trung và dài hạn sau khi cuộc bầu cử kết thúc. “Không có yếu tố nào đủ khẳng định giá vàng tăng hay giảm sau cuộc bầu cử trong ngắn hạn. Thường trong ngắn hạn giai đoạn hậu bầu cử, giá vàng không biến động nhiều” - ông Khánh nói.

Tuy nhiên, thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cũng cho thấy, giá vàng có biến động tăng giảm khác nhau trong thời gian nắm quyền của mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Theo đó, trong nhiệm kỳ của Tổng thống George Herbert Walker Bush (hay còn gọi là Bush cha, nhiệm kỳ 1989 - 1993), giá vàng giảm 19%. Nhưng đến thời Tổng thống George Walker Bush (Bush con, nhiệm kỳ 2001 - 2009), giá vàng tăng tới 215%. Đến thời kỳ của Tổng thống Barack Obama (2009 - 2017), giá vàng tăng 44% và trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống gần đây, giá vàng đều tăng.

Talkshow “Vàng lập đỉnh, chứng khoán èo uột: Đâu là cơ hội?”. Ảnh: Tấn Thạnh

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, giá vàng nhạy cảm với những biến động căng thẳng địa chính trị hơn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bởi khi mới lên nhậm chức, thị trường vẫn chưa nắm rõ chính sách của vị Tổng thống mới. Nên điều này khó tác động ngay lập tức đến hệ thống tài chính. “Cần đợi vị Tổng thống mới lên nhậm chức và ban hành chính sách mới thì mới có tác động thực sự đến hệ thống tài chính cũng như giá cả hàng hóa thế giới” - ông Huân nhận định.

Minh chứng cho việc giá vàng nhạy cảm với căng thẳng địa chính trị, vị chuyên gia nêu, thời tổng thống George Walker Bush, giá vàng tăng tới 215% bởi vì khủng bố tại Mỹ năm 2001, sau đó là xung đột giữa Mỹ và một số nước khu vực Trung Đông. Tương tự như thời ông Obama, giá vàng tăng do chịu tác động đồng thời bởi cuộc khủng hoảng tài chính và căng thẳng địa chính trị.

“Do đó, trong ngắn hạn rất khó đánh giá kết quả bầu cử sẽ tác động thế nào đến giá vàng. Ngoài ra, hệ thống tài chính rất khó bị chi phối ngay lập tức và cần phải chờ đợi xem tân tổng thống sẽ ban hành những chính sách gì” - ông Huân nói.

Dù bầu cử không tác động đến giá vàng trong ngắn hạn, song các chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng đi lên. Ông Phan Dũng Khánh nhận định, không chỉ căng thẳng khu vực Trung Đông hỗ trợ giá vàng mà việc ngân hàng trung ương nhiều nước hạ lãi suất cho thấy kỳ vọng về thời kỳ tiền rẻ đã quay trở lại. Đặc biệt, nhu cầu đa dạng hóa các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện nay không chỉ giúp vàng lập đỉnh mà thị trường chứng khoán Mỹ cũng rất nhiều lần lập kỷ lục mới. Ngoài ra, vàng còn trở thành kênh đầu tư trú ẩn trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều bất ổn.

Một yếu tố khác thúc đẩy giá vàng đi lên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân là chính sách phi đô-la hóa của nhiều nước. Theo đó, mới đây các nước thành viên khối BRICS (một nhóm các nền kinh tế đang phát triển bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đưa ra quan điểm và theo đuổi chính sách phi đô-la hóa, bằng cách các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường dự trữ vàng để làm mạnh đồng tiền của họ, tạo ra hệ thống tiền tệ mới.

“Dù đã tăng lên mức kỷ lục nhưng giá kim loại quý vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ đi lên trong thời gian tới, như nhu cầu mua vàng vật chất của nhiều nước châu Á khi vào mùa cưới cuối năm, mua vàng dịp Tết Nguyên đán. Trên thị trường quốc tế, các nước liên tục công bố giảm lãi suất cũng là một trong những lý do tác động tích cực đến giá vàng” - ông Huân nói.

Sau bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng được dự đoán sẽ biến động mang tính trung và dài hạn, chứ không phải ngắn hạn. Còn chứng khoán vẫn khó kiếm tiền. Ảnh minh hoạ

Dù giá vàng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo vẫn có những rủi ro khi kim loại quý đã có chuỗi tăng nóng và liên tục thời gian qua. Bởi, giá vàng không thể lên theo đường thẳng đứng mà sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, thậm chí là lao dốc trong ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý để phòng ngừa rủi ro.

Trả lời câu hỏi về việc thời điểm này có nên mua vàng? Và nếu có mua thì nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC? ông Khánh khuyến nghị, các nhà đầu tư nếu mua vàng, chỉ nên dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi khoảng 10 - 15% và có thể mua cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn. Dù vậy, “đang có những yếu tố có thể khiến giá vàng điều chỉnh giảm như việc kim loại quý đã tăng hơn 40% từ đầu năm, mức tăng chưa từng có trong lịch sử nên sẽ khó để tăng mạnh tiếp. Ngân hàng trung ương các nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã ngừng mua vàng trong nhiều tháng qua. Và khi các nhà đầu tư đều đã có lời, nếu giá vàng đảo chiều, áp lực bán chốt lời sẽ rất lớn, khiến giá vàng lao dốc” - ông Khánh nhận định.

Chứng khoán vẫn khó kiếm tiền

Tương tự diễn biến của giá vàng, thị trường chứng khoán cũng được đánh giá là ít chịu tác động trong ngắn hạn từ các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thay vào đó là những tác động mang tính trung và dài hạn. Theo ông Huân, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, để cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tác động tới thì còn cần độ trễ hơn nữa. Bởi cần có thời gian cho việc truyền dẫn chính sách từ Mỹ về Việt Nam.

Nhận định về diễn biến trầm lắng của thị trường chứng khoán trong nước, thanh khoản sụt giảm, khối ngoại bán ròng với mức kỷ lục khoảng 80.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, thị trường chứng khoán giai đoạn này khiến nhà đầu tư… “sợ”. Bởi, sự biến động tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư rất khó kiếm tiền, thậm chí còn mất tiền nhiều hơn.

Theo ông Huân, chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại vẫn bán ròng. Thực tế, việc nhà đầu tư trong nước “cân” hết lượng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay đã là một nỗ lực rất lớn. Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc sự tham gia của dòng tiền mới thì rất khó để bứt phá.

“Không chỉ vàng “lấp lánh” thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, lãi suất gửi tiết kiệm cũng nhích lên thời gian qua tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khoản tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, chứng khoán lại kém khởi sắc khiến rất nhiều người chọn đứng ngoài quan sát, ngừng giao dịch càng kéo thanh khoản của chứng khoán giảm sâu” - ông Huân nói.

Ngay cả với Thông tư 68, các chuyên gia cho rằng những quy định mới chỉ có tác động tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào. Còn trong bối cảnh họ vẫn bán ròng như hiện tại là rất khó. Trong khi đó, VN-Index rất nhiều lần trong năm nay chỉ chạm vùng 1.300 điểm rồi quay đầu lao dốc, tạo tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. “Cứ tới “vùng cản” này là ai cũng nhìn nhau rồi “lôi” cổ phiếu ra bán. Do đó, cần có những thông tin thực sự nổi bật như thị trường Việt Nam được nâng hạng để tạo động lực cho nhà đầu tư mới hoặc thị trường phải giảm mạnh hơn nữa để tăng tính hấp dẫn” - ông Huân nêu quan điểm.

Một yếu tố nữa dẫn tới sự èo uột của thị trường chính là việc thiếu vắng những hàng hóa có chất lượng. Ông Huân lấy ví dụ việc nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ, nhưng tại thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nên nhà đầu tư gần như không có lựa chọn.

Nói thêm về vấn đề thanh khoản, ông Phan Dũng Khánh cho biết, thanh khoản đã giảm dần đều từ đầu năm và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở mức kỷ lục. Chính vì vậy, hiện mức độ tác động của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn ở mức 5 - 7%, giảm rất nhiều so với mức trên 10% trước đây, thậm chí có thời điểm xấp xỉ 20%.

Sáng 6/11, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ vững vùng đỉnh trong nhiều tháng qua; còn giá vàng nhẫn giao dịch quanh ngưỡng 87 - 88 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Ngược lại với thị trường trong nước, giá vàng thế giới vẫn duy trì chuỗi tăng liên tiếp, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.744,29 USD/ounce, tăng 6,61 USD/ounce, tương đương 0,24% so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.742,1 USD/ounce.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Giá vàng

Tin cùng chuyên mục

Global Banking & Finance Review trao tặng 2 giải thưởng bán lẻ cho VietinBank

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024