Thứ tư 14/05/2025 02:11

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh

Đó là khẳng định của ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) - khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

Tôn vinh doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia

Theo Tổ chức Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam hiện đứng thứ 15 châu Á và chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á. Ông nhận định thế nào về vị trí này?

THQG Việt Nam tăng đáng kể trong thời gian qua. Đây là kết quả đáng ghi nhận bởi 5 nước dẫn đầu trong ASEAN đều là những nước có tiềm lực và đã phát triển trong nhiều năm như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Vì vậy, vị trí này không có gì đáng lo ngại.

Chúng ta nên nhìn vào tiến trình phát triển của Việt Nam thời gian qua để thấy rằng nhận thức cũng như kỹ năng của doanh nghiệp (DN) trong xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng được củng cố. Không ít thương hiệu của Việt Nam đã được khẳng định, đứng vững và được ghi nhận trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều DN và thương hiệu của Việt Nam vẫn khẳng định được tên tuổi tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, không ít DN mặc dù đã có những chuyển biến về nhận thức trong xây dựng và phát triển thương hiệu nhưng tiềm lực, năng lực còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề trong quá trình hội nhập mà chúng ta cần có các giải pháp để giúp DN nâng cao năng lực.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng và sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu nước ngoài. Theo ông, cần làm gì để hỗ trợ DN bảo vệ thương hiệu?

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu đối với DN để tự bảo vệ mình. Để bảo hộ, hỗ trợ DN bảo vệ các nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký, nhiều hàng rào pháp lý đã được dựng lên như: Bảo hộ nhãn hiệu địa lý, đăng ký đặc quyền tác giả, đăng ký kiểu dáng công nghiệp… với những quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phối hợp với các nước tiến hành bảo hộ các nhãn hiệu của Việt Nam đã đăng ký.

Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ DN bảo hộ các nhãn hiệu đã được đăng ký một cách hợp pháp tại Việt Nam và thị trường nước ngoài. Đặc biệt, trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng được cam kết thực hiện nghiêm ngặt.

Theo Tổ chức Brand Finance, năm 2013, giá trị thương hiệu Việt Nam đạt khoảng 133 tỷ USD, năm 2014 đã tăng lên 172 tỷ USD (tăng 30%). Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm gì để đẩy mạnh hơn nữa giá trị THQG?

Con số 172 tỷ USD giá trị thương hiệu của các sản phẩm dịch vụ Việt Nam chỉ là tính toán của riêng Brand Finance và chỉ nên xem nó như con số để tham khảo.

Song, để tiếp tục nâng cao giá trị THQG, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ DN như: Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tư vấn để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực thiết kế sản phẩm… DN sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, được quảng bá, cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên về thị trường, nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu.

Bộ Công Thương cũng vừa triển khai Chương trình Tuần lễ “Tự hào Thương hiệu Việt Nam” (từ ngày 1 - 7/8) với những hoạt động thiết thực. Đây là cơ hội để các DN chia sẻ, học tập kinh nghiệm nhằm bám kịp trào lưu phát triển thương hiệu của các nước trên thế giới.

Hy vọng rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự quyết tâm của các bộ, ngành chức năng cũng như sự hợp lực của cộng đồng DN, giá trị THQG sẽ ngày càng tăng cao và đóng góp tích cực xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2014, đã có 63 DN vinh dự đạt THQG. Đây là các DN dẫn đầu trong từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Thúy Hà - Phương Lan
Bài viết cùng chủ đề: Giá trị thương hiệu quốc gia