Giá tính thuế TTĐB đối với bia, rượu chưa phù hợp với cơ chế thị trường
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA - cho biết: Tổng sản lượng toàn ngành bia Việt Nam năm 2014 đạt 3.140 triệu lít, tăng 3,1% so với năm 2013. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2012- 2014 chỉ đạt 6,2%/năm, giảm nhiều so với giai đoạn 2009- 2011 (12,18%)... “Ngành đồ uống trong những năm qua tăng trưởng chậm, thực tế tăng trưởng thị trường thấp hơn mức tăng trưởng sản xuất khiến tồn kho tăng cao” - ông Việt cho biết thêm.
Lý giải về việc tăng trưởng chậm, ông Việt phân tích: Có nhiều yếu tố tác động như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước khiến sức mua giảm; nhà nước tăng cường kiểm soát thời gian bán hàng, chủ trương không uống rượu bia trong giờ làm việc được các địa phương, cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm...
Trong các chính sách với đồ uống có cồn, theo VBA, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có những bất hợp lý. Trước đây, theo Luật Thuế TBĐB, giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB (do Bộ Tài chính soạn thảo) lại đề xuất giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con hoặc công ty liên kết bán ra thị trường. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định: “Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế TTĐB, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng”. Vì vậy, VBA kiến nghị, Bộ Tài chính xem xét, giữ nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB dựa vào giá do cơ sở sản xuất bán ra, đồng thời áp dụng nguyên tắc xác định giá tính thuế thống nhất trong cả hai trường hợp: Bán hàng thông qua công ty con, công ty liên kết và bán hàng thông qua công ty thương mại độc lập, dựa trên cơ sở giá bán ra của cơ sở sản xuất.
Theo VBA, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp hình thành... sẽ tạo sức ép lớn lên ngành đồ uống, tạo cơ hội cho nhiều tập đoàn nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước. Đặc biệt, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng trở về 0% sau một lộ trình nhất định, dẫn tới cạnh tranh ngày càng tăng, tạo nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành đồ uống.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, các chính sách kiểm soát việc lạm dụng đồ uống có cồn của nhà nước là điều cần thiết, song phải bảo đảm tính hài hòa với phát triển ngành. Bộ Công Thương sẽ xem xét các đề xuất của VBA về chính sách thuế, nếu hợp lý sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính.
Giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con hoặc công ty liên kết bán ra thị trường không phù hợp với cơ chế thị trường, gây khó cho doanh nghiệp. |