Giá phân bón giảm mạnh, doanh nghiệp và người nông dân chia sẻ khó khăn
Giá phân bón giảm chạm đáy 2 năm trước
Những ngày qua giá phân bón trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, giá phân NPK Phú Mỹ được giao dịch ở mức 15.100-15.700 đồng (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10%.
Phân Kali Cà Mau cũng giảm 2.600 đồng/kg xuống còn 14.900-15.100 đồng/kg (giảm khoảng 15% so với đầu năm), DAP Đình Vũ giảm còn 16.700-17.500 đồng/kg (giảm 63%).
Hiện giá nhiều loại phân bón, đặc biệt là phân đạm (Urê) đã giảm thêm từ 10.000-30.000 đồng/bao (50kg). Giá Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang được bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở vùng ÐBSCL chỉ còn 500.000-550.000 đồng/bao, trong khi trước đây có giá 530.000-580.000 đồng/bao.
Với mức giá hiện tại, Urê đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Thời điểm những tháng đầu năm Urê hiện là loại phân bón mà các doanh nghiệp ở nước ta đã tự chủ sản xuất trong nước và có dư để xuất khẩu. Còn giá các loại DAP, NPK và Kali có giảm nhưng vẫn còn đang ở mức cao, với giá nhiều loại DAP từ 850.000-1.400.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 từ 900.000-1.100.000 đồng/bao, Kali giá 730.000-800.000 đồng/bao... Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm do nguồn cung dồi dào và giá phân bón trên thế giới giảm mạnh.
Doanh nghiệp và người nông dân cùng chia sẻ
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng Urê), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng.
Nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao |
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ: Giá phân bón giảm xuống thấp giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn. Nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao hai năm gần đây.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cũng gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp phân bón như Supe Lâm Thao, nhất là cho các hệ thống đại lý. Ông Hồng cho biết, vì giá biến động theo từng tuần, từng ngày nên người nông dân có tâm lý vẫn chờ đợi giá xuống tiếp mới mua. Bên cạnh đó, có một số đại lý đã nhập hàng từ trước khi giá còn cao, nhưng giá xuống từng ngày và hàng tiêu thụ chậm nên tồn kho nhiều.
Không những thế, Supe Lâm Thao cũng như các đơn vị sản xuất phân bón khác trong nước đều chịu thêm khó khi đều phải mua dự trữ nguyên liệu. Thường các đơn vị đều phải mua nguyên liệu dự trữ đủ cho sản xuất khoảng 3 tháng. Chính vì thế, nhiều nguồn nguyên liệu mua lúc giá cao, khiến giá thành sản xuất phân bón cao. Nhưng giá phân bón biến động từng ngày cho nên doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu thiệt.
Ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng cho biết, hiện đang là thấp điểm của mùa vụ cho nên tiêu thụ phân bón cũng chậm lại. Hơn nữa tâm lý chung của người nông dân là vẫn chờ phân bón xuống thấp hơn mới mua về nên hàng tiêu thụ chậm. Hiện giá phân bón đã giảm khoảng 15-20% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chính của phân bón Bình Điền là Campuchia cũng đang chững lại do nhu cầu thấp. Trước những khó khăn này, Bình Điền cũng dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ giảm so với năm 2022.
Theo ghi nhận hiện tại, có những lô hàng sản xuất ra của 1 số doanh nghiệp sản xuất phân bón đã phải chấp nhận bán dưới giá thành. Có thể nói đây cũng chính là mối nguy rõ ràng nhất trong năm 2023 và thời gian tới mà các đơn vị chắc chắn sẽ phải đối mặt.
Thực tế này khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải có những nỗ lực, giải pháp để đối phó với khó khăn hiện tại. Ông Vũ Xuân Hồng cho biết, Supe Lâm Thao cũng đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp như tiết giảm chi phí sản xuất giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao công nghệ và nhất là cho ra đời những sản phẩm phân bón mới, phù hợp với đa dạng cây trồng. Gần đây nhất, vào 2/2/2023, Supe Lâm Thao đã cho ra mắt hai nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao, tạo sự đột phá với ngành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong thời gian tới.
Về diễn biến giá phân bón thời gian tới, theo các chuyên gia về phân bón nhận định, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khó có thể nhận định giá phân bón có thể tiếp tục giảm bởi sản xuất phân bón phụ thuộc lớn vào giá dầu và giá khí. Với tình hình diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraina và diễn biến nguồn cung tên thế giới.