Giá nông sản Chicago tăng mạnh, thị trường năng lượng “nín thở” chờ các báo cáo quan trọng
Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tuy chỉ có 15 mặt hàng tăng giá, nhưng các mức tăng đều rất mạnh, giúp chỉ số hàng hóa MXV-Index chốt tuần tăng 1,93% lên 2.941,1 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở đạt 4.266 tỷ đồng/ngày, giảm nhẹ 2% so với tuần trước, do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước sự suy yếu đáng kể của giá dầu thô. Dòng tiền đầu tư trong nước vẫn đang tập trung vào nhóm năng lượng và nông sản, lần lượt chiếm 42% và 36% tổng giá trị giao dịch.
Chỉ số MXV-Index |
Giá nông sản tăng vọt, ngành chăn nuôi trong nước gặp khó
Các mặt hàng nông sản đang liên thông với sở Chicago, Mỹ ghi nhận những mức tăng mạnh nhất toàn thị trường trong tuần qua. Giá lúa mì Kansas tăng 9,2% lên 406,66 USD/tấn, giá lúa mì Chicago tăng 6,8% lên 386,36 USD/tấn. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều như ngô và khô đậu tương cũng lần lượt tăng 4,6% và 4%.
Trong báo cáo tháng 4 của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), tồn kho lúa mì toàn thế giới cuối niên vụ 2021/2022 bất ngờ bị giảm dự báo từ 281,5 xuống còn 278,4 triệu tấn, thấp hơn khoảng 12 triệu tấn so với niên vụ trước. Theo đánh giá của USDA, căng thẳng tại khu vực biển Đen không gây quá nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine, các nước xuất khẩu lớn nhất và lớn thứ ba toàn cầu.
Cụ thể, xuất khẩu lúa mì của Ukraine bị giảm dự báo đi 1 triệu tấn, trong khi xuất khẩu lúa mì từ Nga tăng dự báo thêm 1 triệu tấn. Theo Trung tâm Giao nhận hàng hóa MXV, đồng Rúp trượt giá đã khiến giá lúa mì Nga trở nên cạnh tranh hơn so với các nguồn cung khác và hoạt động xuất khẩu vẫn đang diễn ra bình thường tại các cảng biển của nước này.
Bảng giá nông sản tuần từ 04 – 10/04 |
Tại Việt Nam, mọi sự chú ý của ngành chăn nuôi trong nước đang tập trung vào diễn biến của giá ngô trên sở Chicago. Mặt hàng này có giá đóng cửa tuần ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2012 tới nay do lo ngại sụt giảm sản lượng thu hoạch tại Brazil và Argentina, các nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Ước tính khoảng 30 – 40% diện tích trồng ngô vụ 2 tại Brazil đang gặp tình trạng khô hạn đúng vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất của mùa vụ năm nay.
Trong khi đó, báo cáo chất lượng mùa vụ tại Argentina cho thấy chỉ có 21% diện tích đang có chất lượng tốt, giảm mạnh so với mức 32% trong tuần trước. Đây rõ ràng là các thông tin tiêu cực về nguồn cung, đặc biệt là đối với thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô về nước ta trong quý I đạt 2,08 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, nhập khẩu từ Argentina đạt 968.034 tấn (chiếm 46,5%) và nhập khẩu từ Brazil đạt 309.112 tấn (chiếm 15%).
Giá thế giới tăng đã ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong nước. Sáng 11/04, giá ngô nhập khẩu tại cảng Cái Lân tăng thêm 200 đồng/kg lên khoảng 9.200 – 9.500 đồng/kg đối với hàng giao tháng 5, 6, 7. Đây là mức giá cao hơn từ 20 – 25% so với cuối năm 2021 và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang đứng trước áp lực rất lớn, khi thời gian chốt giá các hợp đồng nhập khẩu đã đến gần, nhưng giá thế giới vẫn ở mức cao và các sản phẩm đầu ra như giá lợn, gà vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.
Giá dầu đóng cửa tuần thấp nhất kể từ cuối tháng 2
Khác với tháng 3, giá dầu hiện không còn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường hàng hóa. Một phần vì các mặt hàng khác đang bị tác động mạnh hơn bởi các thông tin liên quan tới cung – cầu. Một phần vì các thông tin xoay quanh thị trường dầu hiện không quá đặc biệt, phản ánh qua diễn biến có phần trầm lắng hơn của giá dầu trong tuần qua.
Trên sở NYMEX, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 5 giảm 1% xuống còn 98,26 USD/thùng; giá dầu Brent tháng 6 trên sở ICE giảm mạnh hơn 1,5% xuống đóng cửa ở mức 102,78 USD/thùng. Đây đều là các mức đóng cửa tuần thấp nhất của dầu thô kể từ cuối tháng 2 và giá đã giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được trong chuỗi tăng sau căng thẳng tại khu vực biển Đen.
Theo Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, có nhiều nguyên nhân cùng tác động vào xu hướng giảm của giá dầu trong thời gian vừa qua, nhưng trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là các nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc hạ nhiệt giá dầu và giảm lạm phát.
Cụ thể, các nước thuộc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã kết hợp với Mỹ tung ra 240 triệu thùng dầu trong đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ lần thứ 2 trong năm 2022. Như vậy, theo dự kiến, trong vòng 6 tháng thị trường sẽ được bổ sung khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày, phần nào bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Nga.
Diễn biến giá dầu WTI |
Thứ hai, chính sách phong tỏa các thành phố lớn do đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đang tác động đến giá dầu nhiều hơn so với các dự báo ban đầu. Hiện nay, 73 trong số 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế để phòng dịch. Trong đó đáng chú ý nhất là Thượng Hải, thành phố đóng góp gần 3,8% GDP và gần 4% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi chính sách “zero Covid”, các chuyên gia dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kèm theo đó là nhu cầu sử dụng năng lượng cũng sẽ sụt giảm mạnh. Đây có thể sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá dầu thế giới trong dài hạn.
3 báo cáo quan trọng và một tuần biến động trên thị trường năng lượng
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 11/04, giá hai loại dầu WTI và Brent tiếp tục giảm thêm gần 2% sau khi hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ trong tuần qua đã tăng 16 giàn lên mức 689 giàn đang hoạt động. Đây là số lượng giàn khoan nhiều nhất tại Mỹ trong vòng 2 năm qua, cho thấy nỗ lực tăng sản lượng của quốc gia này và có thể sẽ tiếp tục tạo ra nhiều lực bán trên thị trường dầu trong giai đoạn đầu tuần.
Trong tuần này, các nhà đầu tư năng lượng sẽ rất bận rộn với 3 báo cáo của 3 tổ chức năng lượng uy tín nhất thế giới. Cụ thể, báo cáo tháng 4 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ lần lượt được phát hành vào lúc 18:00 và 23:00 thứ ba 12/4; báo cáo tháng của IEA sẽ phát hành lúc 15:00 chiều thứ tư 13/4. Trong tháng trước, IEA đã đi đầu trong việc hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới, trước các sức ép về giá cả. Nếu EIA và OPEC đều điều chỉnh các kỳ vọng tương tự IEA trong tháng này, giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm sâu xuống dưới vùng 100 USD/thùng.