Giả mạo Trường Đại học Văn Lang gửi thông báo "yêu cầu" tân sinh viên nộp học phí
Theo đại diện Trường đại học Văn Lang cho biết, nhà trường vừa được một số phụ huynh và thí sinh phản ánh với trường về việc, vừa qua có nhận được "thông báo về việc đóng học phí nhập học của tân sinh viên khóa 28 năm 2022".
Cụ thể, theo thông báo giả mạo này, thí sinh/phụ huynh có thể đóng tiền nhập học theo hai hình thức: chuyển khoản qua ngân hàng (kèm theo thông tin tên tài khoản là Đại học Văn Lang và số tài khoản tại PG Bank) với số tiền hơn 86 triệu đồng; hoặc đóng tiền mặt tại trường khi đến làm thủ tục nhập học.
Đáng nói, thông báo này ghi ngày 19/8/2022 và có chữ ký của hiệu trưởng và đóng dấu của nhà trường.
Đại diện nhà trường cho hay, các đối tượng đề tên nhà trường nhưng số tài khoản lại không phải của nhà trường. Theo đó, mặc dù tên chủ tài khoản nhận tiền không đúng với số tài khoản, nhưng khi chuyển tiền, rất có thể lúc sinh viên thực hiện giao dịch sẽ không để ý tên chủ tài khoản hiện lên khác với tên Trường đại học Văn Lang nhưng vẫn chuyển, đó là lý do mất tiền.
Cũng theo vị này, hiện đã có người chuyển tiền cho các đối tượng này.
Thông báo được các đối tượng làm giả có chữ ký của hiệu trưởng và đóng dấu của nhà trường. |
Trường đại học Văn Lang đã chính thức thông báo đây là thông tin giả mạo. Nhà trường hiện không ban hành bất cứ thông báo nào về việc đóng học phí đối với khóa 28. Theo đó, phụ huynh và thí sinh cần cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử chính thức của trường để tránh thiệt hại vì các thông tin giả mạo, trôi nổi.
Trong trường hợp cần kiểm tra thông tin xác thực về học phí và thanh toán học phí nhập học, thí sinh và phụ huynh liên hệ về phòng kế toán hoặc phòng tuyển sinh và truyền thông của trường để được hỗ trợ.
Được biết, trong vấn đề tuyển sinh năm 2022, Trường đại học Văn Lang sẽ hoàn thành lọc ảo và công bố kết quả trúng tuyển, mời thí sinh nhập học sau 15/9. Từ thời điểm này, nhà trường mới ban hành các hướng dẫn chính thức về đóng học phí nhập học cho tân sinh viên.
Trước đó, cũng đã có nhiều trường học tương tự, điển hình như năm 2021, tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh một sinh viên năm nhất đã bị một đơn vị mạo danh nhà trường, yêu cầu chuyển 150 triệu đồng để nhận học bổng.
Phòng Chính trị - Công tác sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã tiếp một phụ huynh phản ánh về việc nghi ngờ mạo danh nhà trường để lừa đảo sinh viên.
Phụ huynh của sinh viên A. cho biết, A. là sinh viên năm nhất khoa Ngoại ngữ của trường HUFLIT gửi về cho gia đình giấy báo nhận học bổng 100%, chương trình đào tạo ngành đặc biệt (trị giá gần 50 triệu đồng).
Sinh viên A. yêu cầu gia đình gửi 150 triệu đồng để chứng minh tài chính mới có thể nhận được suất học bổng trên. Tuy nhiên, A. nói không phải nộp cho nhà trường mà nộp cho một công ty V. (đơn vị liên kết mà A. đang đi làm thêm).
Do không thể chu cấp ngay lập tức cho A. một số tiền lớn, cùng với sự nghi ngờ A. đã bị vướng vào hệ thống đa cấp, phụ huynh đã liên hệ Phòng Chính trị - Công tác sinh viên để hỏi thông tin.
Cuối năm 2021, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học Sài Gòn cũng bị giả mạo thư trúng tuyển và email yêu cầu đóng học phí.
Hay như mới đây, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng bị giả mạo thư trúng tuyển và giấy báo cấp học bổng cho tân sinh viên chính quy nhập học năm tới.
Ngay sau đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.Hồ Chí Minh) phát cảnh báo về việc bị kẻ gian giả mạo nhiều giấy tờ quan trọng. Theo phản ánh của thí sinh, các em nhận được email thông báo trúng tuyển kèm giấy báo nhận học bổng, được giảm 50% học phí nếu hoàn thành các thủ tục nhập học được đính kèm email.
Trong giấy báo giả mạo, kẻ gian còn sử dụng hình ảnh dấu đỏ của trường Nguyễn Tất Thành kèm chữ ký của Phó hiệu trưởng.
Ngay sau khi nắm được sự việc, trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định các email và tài liệu trên không phải do trường gửi, đồng thời phát cảnh báo tới toàn thí sinh. "Ngày 15/8, trường mới có giấy báo trúng tuyển đại học năm 2022 chính thức. Mọi thông báo trúng tuyển trước thời điểm này đều không phải của trường Nguyễn Tất Thành", trường thông tin.
Theo một số trường cho biết, trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tân sinh viên thường bị kẻ xấu nhắm tới, nhằm lừa đảo hoặc khai thác thông tin. Các trường đều ra khuyến cáo với mọi thông tin, sinh viên nên bình tĩnh, kiểm tra trên website, fanpage chính thức của trường hoặc trao đổi với cố vấn học tập, văn phòng khoa về những khoản thu bất thường.
Đặc biệt, phụ huynh và sinh viên, nâng cao cảnh giác với các tình huống giả danh nhà trường để gửi thông báo tuyển sinh năm 2022, tặng các suất học bổng buộc sinh viên đóng tiền, giả mạo giấy tờ địa chỉ, logo của trường, lừa đảo về việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Sinh viên và cha mẹ khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu đóng thêm các khoản lệ phí để nhập học cần kiểm tra kỹ xem thông tin có đến từ các phòng, ban chuyên môn của các trường đại học hay không. Cần cảnh giác, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bất kỳ ai. Các sinh viên và gia đình hãy thật tỉnh táo, nắm rõ quy trình hướng dẫn nhập học của nhà trường để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, tránh những phiền phức không đáng có.