Làng Bui trước đây là làng cách mạng. Sau giải phóng, dân làng được Nhà nước di dời đến vị trí mới cách làng cũ 4km, thuận lợi hơn để ổn định dân cư, phát triển kinh tế. Thế nhưng, người Gia Rai có phong tục sống gần rừng, nên nhiều người dân đã di chuyển về nơi ở cũ lập thành làng Bui, xóm Mới với 17 hộ dân.
Làng Bui, xóm Mới nằm lọt thỏm giữa thung lũng, xung quanh là đồi núi, không ánh điện, mọi việc đều làm bằng thủ công. Thu nhập người dân chủ yếu là trồng cà phê, điều, lúa nhưng diện tích nhỏ. Đất sản xuất chủ yếu là đất đồi, pha cát, chất dinh dưỡng thấp, nước tưới thiếu. Cuộc sống người dân đặc biệt khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ có 5 triệu đồng/người/năm.
Việc đầu tư hệ thống chiếu sáng và đưa nguồn điện quốc gia vào tận làng Bui, xóm Mới đã góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa làng với các thôn, làng khác |
Năm 2018, PC Gia Lai đã đầu tư hệ thống chiếu sáng, trị giá gần 1 tỷ đồng về làng trong sự vui mừng người dân trong làng. Chính quyền địa phương cử cán bộ có chuyên môn xuống hướng dẫn dân làng kỹ thuật canh tác lúa nước, cà phê nâng cao năng suất cây trồng. Cùng với đó, làng Bui, xóm Mới cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều mạnh thường quân.Từ đây, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.
Giờ đây, bước trên con đường đất đỏ, với từng hàng cây điều, từng rẫy cà phê, hình ảnh của làng Bui, xóm Mới như thay "tấm áo mới" đẹp hơn, ấm áp hơn. Nhiều nhà đã mua sắm được tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy bơm nước… phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Bà con trong làng cũng đã được tiếp cận nhiều hơn với thông tin, với khoa học - kỹ thuật thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Từ đó, cùng nhau học hỏi, thay đổi cách nghĩ, chia sẻ những những cách làm hay, từng bước thay đổi cuộc sống.
Cũng nhờ cuộc sống ổn định, trẻ em trong làng hăng hái đến trường học. Tại điểm trường làng, thầy trò cùng nhau học dưới ánh sáng điện rực rỡ. Tối đến, cả làng cùng nhau tập trung ở nhà rông, sinh hoạt cộng đồng trong tiếng nói cười, âm thanh cồng chiêng vang rộn khắp một vùng.
Theo trưởng thôn làng Bui, xóm Mới – ông Rơ Châm Bin, trước kia cuộc sống của dân làng nhiều khó khăn, tối đến phải thắp đèn dầu. Thấy vậy, chính quyền xã đã cấp cho bà con đèn pin tích điện để thắp sáng, nhưng đèn pin hay bình ắc quy chỉ dùng khi cấp bách, hết dầu thôi. Mỗi lần đi sạc đèn hay bình ắc quy lại phải mang đi xa, rất mất công. "Giờ có điện, có tivi để xem, buổi tối có thêm điện ở nhà rông, bà con có thể làm thêm việc như dệt thổ cẩm, xay lúa… Mừng nhất là đám trẻ con có thể ngồi học dưới ánh điện sáng. Người dân làng không vất vả như xưa nữa rồi”, Trưởng thôn làng Bui, xóm Mới chia sẻ và cho biết, mặc dù so với trước kia, làng đã thay đổi, nhưng kinh tế so với các thôn, làng khác thì còn một khảng cách lớn; một phần vì người dân chưa nhận thức, nắm bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Cùng với đó, vùng đất ở khu vực làng Bui, xóm Mới cằn cỗi, nước thiếu, giao thông chưa thuận lợi nên còn nhiều khó khăn.
Nhân viên điện lực Gia Lai tư vấn, tuyên truyền sử dụng điện an toàn tiết kiệm cho người dân làng Bui, xóm Mới |
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka - ông Hoàng Văn Thành cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với chất đất mà sử dụng ít nước. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp bền vững; đồng thời có những đề xuất để huyện, tỉnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng phù hợp và thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.
Tới đây, khi triển khai thực hiện "Dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn" tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, danh mục phát triển đường giao thông sẽ được địa phương triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025, ước mơ về sự phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của người dân làng Bui, xóm Mới sẽ được thực hiện thuận lợi hơn.