Gia Lai: Dồn lực phát triển cây cà phê bền vững
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Số liệu báo cáo cho thấy, giá trị kim ngạch xuất khẩu 8 tháng vừa qua của Gia Lai đạt 245,47 triệu USD, bằng 61,42% kế hoạch cả năm, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn khá xa so với mục tiêu của Gia Lai là 400 triệu USD trong năm 2016.
Nhận định nguyên nhân, Sở Công Thương Gia Lai cho rằng, sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp chưa có thương hiệu, uy tín nên khi thị trường thuận lợi thì xuất khẩu được cả về giá, lượng nhưng khi thị trường khó khăn là bị ngưng trệ ngay.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, cần tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong việc chế biến, nhất là tinh chế các sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hoá cũng như tạo dựng uy tín sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng cần đơn giản hoá các thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi, có đủ nguồn lực về vốn để đầu tư chiều sâu nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp ở thị trường trong nước, quốc tế.
Dồn lực phát triển bền vững
Với diện tích cà phê lên đến 93.100 ha, tuy nhiên qua nhiều năm kinh doanh, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, năng suất thấp. Để khắc phục tình trạng này Gia Lai cùng các tỉnh khác trong khu vực đang thực hiện Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đến năm 2020. Theo đó, Gia Lai sẽ thực hiện 2 hợp phần chính là phát triển cà phê bền vững và hợp phần quản lý dự án. Theo Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai, tính đến nay, đơn vị đã tích cực hoàn thành khối lượng và công việc của dự án như tổ chức các buổi hội thảo tại TP. Pleiku và 3 huyện tham gia dự án, lập kế hoạch tổng thể hoạt động và giải ngân lựa chọn 15 điểm thành lập 10 mô hình trình diễn về sản xuất cà phê bền vững và 5 mô hình tái canh cà phê bền vững.
Theo đánh giá, bước đầu dự án đã giúp nông dân tiếp cận những phương pháp sản xuất mới, chuyển từ phương thức canh tác chưa bền vững sang phương thức canh tác bền vững, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cà phê của Gia Lai, giảm thiểu những tác động ảnh hưởng tới môi trường.
Ngày 5/9/2016, UBND tỉnh Gia Lai cũng có quyết định, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sẽ trồng tái canh 13.610ha cà phê và ghép cải tạo 50ha tại các huyện: Ia Grai, Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đắk Đoa, Đức Cơ, Chư Pưh, Kbang, Mang Yang và TP. Pleiku. Giống phục vụ trồng tái canh và ghép cải tạo là giống cà phê vối đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất kinh doanh. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chương trình trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê là hơn 2.075 tỷ đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm duy trì sản lượng cà phê của tỉnh ổn định, hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững, góp phần thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020, năng suất cà phê toàn tỉnh bình quân đạt 32 - 35 tạ/ha, trên 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN9872-2012.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Gia Lai được thực hiện tại 3 huyện Đắk Đoa, Chư Prông và Ia Grai với 26 xã có diện tích sản xuất cà phê được hưởng lợi với số vốn tương ứng khoảng 175,7 tỷ đồng (nguồn vốn phi tín dụng), trong đó vốn IDA (WB) 111 tỷ đồng, vốn đối ứng 35 tỷ đồng, vốn tư nhân đóng góp 32 tỷ đồng. |