Thứ năm 02/01/2025 02:56

Giá giảm mạnh, người nuôi tôm ở Nghệ An "treo ao, bỏ đầm"

Giá tôm giảm mạnh tại nhiều địa phương ở Nghệ An trong nhiều tháng qua đã khiến người nuôi tôm không có lãi, thậm chí nhiều hộ đã "treo ao, bỏ đầm".

Theo người nuôi hiện giá tôm giảm từ 10 - 20%. Ở một số địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu... nhiều hộ nuôi tôm đang lo lắng trước nguy cơ thua lỗ. Nguyên nhân khiến giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục giảm trong tháng qua là do các thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm trong khi nguồn cung tăng lên.

Giá tôm thẻ chân trắng đang xuống từ 10 - 20%, thấp so với thời điểm này năm trước

Tại huyện Quỳnh Lưu, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 90.000 đồng/kg; 80 - 90 con/kg giá 95.000 - 98.000 đồng/kg; loại 70 con/kg có giá khoảng 105.000 đồng/kg; loại 50 con 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg 160.000 - 165.000 đồng/kg… Giá bán tôm đá cấp đông thường thấp hơn tôm sống khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao đang tăng mạnh.

Với nhiều nông dân nuôi tôm tại Quỳnh Lưu hiện nay, việc sản xuất đang chịu nhiều áp lực. Thời tiết bất thuận, chi phí sản xuất tăng… không ít nông hộ đã chọn cách phơi đầm, hoặc chỉ nuôi cầm chừng với diện tích nhỏ.

Theo người nuôi tôm, xuất khẩu tôm gặp khó, giá tôm cũng lao dốc không phanh trong nhiều tháng qua, vì vậy bà con nuôi tôm một lần nữa lại đối mặt với nhiều khó khăn khi đang bước vào vụ thu hoạch.

Anh Trần Văn Thường - người nuôi tôm ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Tôm bây giờ rất rẻ và hiện tại bà con nuôi tôm chúng tôi đang rất là nao núng".

Theo người nuôi tôm, nắng nóng khiến tôm chậm lớn, nhiễm bệnh và chết nhiều

Cụ thể, thương lái thu mua tôm thẻ kích thước từ 70 - 75 con/kg chỉ còn giá 100.000 đồng/kg. So với thời điểm này năm ngoái, giá tôm giảm từ 15-20%. Mới đầu vụ mà giá tôm đã xuống thấp, đến khi thu hoạch rộ thì chắc chắn giá sẽ giảm nhiều hơn.

“Mỗi 1kg tôm kích cỡ 75-80 con chi phí đầu vào hết khoảng 85.000-90.000 đồng (thức ăn tôm chiếm 60%, 30% là vật tư thủy sản và 10% là tiền điện và nhân công), giá thức ăn cho tôm leo thang trong khi giá tôm giảm nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi”, anh Thường nói.

Anh Phạm Lý - xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu vừa xuất bán ao tôm với sản lượng lên đến trên 4 tấn. Tuy nhiên, anh cho biết: “Nắng nóng, tôm chậm lớn, nuôi 120 ngày tiêu tốn khoảng 6,3 tấn thức ăn, giá thức ăn tăng thêm 30% so với trước, nhưng trọng lượng chỉ đạt đến mức 80 con/1kg. Trong khi đó, giá tôm lại xuống thấp so với mọi năm, chỉ bán được 88.000 đồng/kg nên lỗ khoảng 100 triệu đồng”.

Theo nhiều người dân nuôi tôm ở đây, càng nuôi nhiều càng lỗ, hộ nuôi nhiều thì lỗ cả trăm triệu, nuôi ít cũng lỗ tầm 30-50 triệu đồng. Ngoài việc nắng nóng gay gắt khiến tôm bị dịch, chậm lớn, giá thức ăn tăng cao thì nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là giá tôm xuống quá thấp.

Việc giá tôm nguyên liệu giảm sâu không chỉ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp chế biến về vấn đề nguyên liệu trong thời gian tới.

Đầm tôm ở huyện Quỳnh Lưu được người dân đầu tư hàng tỷ đồng nhưng nay đều bỏ hoang

Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Ban quản lý vùng nuôi tôm công nghiệp xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho biết: “Giá tôm xuống thấp có nhiều nguyên nhân, thứ nhất do thua lỗ nên phần lớn người dân để trống ao, không nuôi nên các vùng nuôi tập trung cũng chỉ lẻ tẻ các hộ nuôi, sản lượng tôm giảm sút mạnh nên các nhà máy không vào thu gom dẫn đến ế ẩm.

Mặt khác, thời tiết nắng nóng, tôm chậm lớn nên thời gian nuôi kéo dài, để “cắt lỗ” buộc phải bán khi chưa đạt trọng lượng, do đó, tôm nhỏ thì người mua kén, giá thấp hơn. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu ở các nước như Ecuador chỉ bằng một nửa giá tôm trong nước nên Trung Quốc nhập khẩu tôm của Ecuador thay cho tôm Việt Nam. Điều này khiến đầu ra và giá tôm nguyên liệu trong nước gặp khó, trong đó có tỉnh Nghệ An”, ông Thắng nói thêm.

Thêm vào đó, doanh nghiệp chế biến khó tiếp cận nguồn vốn để quay vòng sản xuất, hạn chế mua tôm nguyên liệu dự trữ; nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh không cao, giá cả bấp bênh.

Thời điểm này là vụ chính nuôi tôm, tuy nhiên, tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu giá tôm giảm mạnh, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nhiều hộ nuôi tôm đang “treo ao, bỏ đầm” tạm ngừng xuống giống.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: Xã Quỳnh Thanh có trên 75ha tôm. Vụ này là vụ chính nhưng hiện người dân chỉ nuôi 45ha tôm theo kiểu quảng canh, còn lại 35ha khác phải bỏ hoang. Nguyên nhân là do bị dịch bệnh gan tụy trên tôm không chữa được, tôm bị chết khiến người nuôi thua lỗ. Bên cạnh đó, đầu ra của tôm không ổn định cũng khiến cho người dân không mặn mà với con tôm.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An