Khánh Hòa: Người nuôi tôm hùm lao đao vì trượt giá, lỗ lớn Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên vui mừng khi giá tăng trở lại |
Giá tăng chưa có hồi kết
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn cho tôm đã được điều chỉnh 2 lần tăng khá cao, với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi tôm ở Nghệ An gặp khó khăn.
Giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, nhiều người nuôi vẫn chưa dám thả tôm |
Theo người nuôi tôm, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, giá thức ăn cho tôm đã có 13 lần điều chỉnh giá. Tại lần điều chỉnh mới đây nhất vào tháng 3/2023, giá thức ăn cho tôm tăng thêm từ 1.200 - 2.000 đồng/kg tùy từng loại. Việc giá thức ăn cho tôm tăng liên tiếp, đồng loạt đã gây khó khăn cho người nuôi tôm.
Trong lần điều chỉnh mới đây nhất, Công ty TNHH Nutreco International (Việt Nam) điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thức ăn cho tôm thêm 1.500 đồng/kg; Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX áp dụng giá bán mới với các loại thức ăn cho tôm tăng 1.500 đồng/kg và tăng 800 đồng/kg đối với sản phẩm Specific.
Tương tự, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cũng điều chỉnh mức tăng 1.200 đồng/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho tôm; Grobest điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg thức ăn.
Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long điều chỉnh mức giá bán sản phẩm thức ăn tôm lên 1.200 đồng/kg so với trước đó….
Nguyên nhân tăng giá được các doanh nghiệp đưa ra là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang biến động rất mạnh, có thể kể đến như: Bã nành, lecithin (phụ gia), dầu cá nước ngọt, bột thịt gà, sắn lát, cám gạo nguyên dầu…chi phí logistics tăng đã tác động đến giá thức ăn thủy sản tăng theo.
Theo Chi cục Thuỷ sản Nghệ An, từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021- 2022 giá càng tăng mạnh. Đến nay, giá vẫn chưa có chiều hướng giảm.
Cũng theo các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi, thời gian qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng.
Người dân gặp khó
Gia đình ông Trần Anh Tráng ở thôn Hồng Phong, xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu) có diện tích trên 1ha trong 6 ao nuôi. Theo ông Tráng, vụ tôm năm nay thời thiết thất thường, giá thức ăn cho tôm liên tục tăng nên gia đình ông mới chỉ thả giống 3/6 ao, số diện tích còn lại đang chấp nhận để trống.
“Với giá thức ăn đang tăng như hiện nay sẽ kéo theo chi phí sản xuất vụ tôm này tăng thêm ít nhất 10-15%. Trong khi đó, giá tôm thành phẩm chưa biết sẽ thế nào nên chúng tôi rất đắn đo trong việc thả giống”, ông Trần Anh Tráng nói.
Giá thức ăn chiếm đến 50-60% giá thành tôm thương phẩm |
Theo phân tích của ông Tráng, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn nuôi tôm đã có 2 đợt tăng giá, mức tăng cao nhất là 2.000 đồng/kg, nghĩa là tăng thêm 40.000 - 50.000 đồng/bao 25kg. Hiện nay, giá thức ăn bình quân đang ở mức 45.000 đồng/kg, loại rẻ nhất cũng có giá 33.000 đồng/kg. Mỗi vụ nuôi kéo dài từ 100 - 110 ngày, tôm mới đạt trọng lượng, kích cỡ để xuất bán.
Trong điều kiện bình thường, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tôm giống tốt thì để có 1kg tôm thương phẩm sẽ tốn từ 1,2-1,5kg thức ăn, tính ra, chi phí thức ăn chiếm 60.000 - 65.000 đồng/kg. Còn đối với trường hợp tôm bị bệnh, chậm lớn, tiêu tốn lượng thức ăn lớn hơn (khoảng 2kg thức ăn/1kg tôm thương phẩm) giá thành thức ăn bình quân sẽ lên đến 85.000 - 90.000 đồng/1kg tôm thương phẩm. Do đó, nếu tôm phát triển tốt, không bị dịch bệnh, giá bán tăng thì người nuôi mới hy vọng có lãi trong bối cảnh giá thức ăn cho tôm liên tiếp tăng.
Không chỉ gia đình ông Trần Anh Tráng mà hầu hết các hộ nuôi tôm ở xã An Hòa đều đang cải tạo ao, phơi, diệt tạp chờ thời tiết ổn định sẽ thả nuôi. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng hiện nay là giá giống, thức ăn cho tôm đang trên đà tăng mạnh sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng thêm, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các hộ nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hằng - hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Gia đình có 4,5 ha/12 ao nuôi, nhưng đến nay mới chỉ thả 2/12 ao. Nguyên nhân chính là năm nay, nhuận 2 tháng hai nên thời tiết mưa nắng thất thường, phải chờ ổn định rồi mới thả tiếp. Phần nữa, giá thức ăn đang tăng cao nên cũng phải tính toán lại mật độ, giãn lứa thả để tránh thua lỗ”.
Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế rủi ro trong nuôi tôm hiện nay cần đầu tư công nghệ cao để kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường và nuôi nhiều giai đoạn để tiết kiệm chi phí.
“Giá giống, thức ăn tăng cao như hiện nay, dù người nuôi truyền thống gặp thua lỗ hay không có lãi thì những mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, số vốn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao quá lớn, lên đến tiền tỷ/ha nên người dân chưa có kinh phí để chuyển đổi...”, ông Trần Anh Tráng cho biết thêm.
Do đó, trong tình hình hiện nay, để hạn chế thua lỗ, đảm bảo có lãi khi đầu tư nuôi tôm, các hộ nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng; chuẩn bị kỹ lưỡng ao nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh trong môi trường trước khi xuống giống.
Bên cạnh đó, người dân cần phát triển các mô hình làm ăn hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào tận gốc và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian, đảm bảo nuôi tôm có lãi.
Trước tình hình này, người nuôi tôm đặc biệt mong muốn, các hiệp hội, hợp tác xã trên địa bàn hướng dẫn người nuôi tôm tiết kiệm chi phí, đảm bảo thức ăn thú y thủy sản, con giống chất lượng nhằm giảm bớt khó khăn cho người nuôi.