Giá gas hôm nay 24/11: Bất ngờ giao dịch ở ngưỡng 7,6 USD/mmBTU
Hồi tháng 8, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt qua mốc 300 Euro/megawatt giờ, tương đương giá dầu thô 500 USD/thùng, sau khi Nga khoá van đường ống Nord Stream 1.
Giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã dịu đi nhờ việc châu Âu đã đạt mức dự trữ khí đốt gần tối đa công suất |
Dù vẫn cao so với bình quân lịch sử, giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã dịu đi nhờ việc châu Âu đã đạt mức dự trữ khí đốt gần tối đa công suất. Mùa thu ở châu Âu năm nay cũng ấm hơn bình thường, dẫn tới nhu cầu khí đốt để sưởi ấm chỉ ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ giữa tuần này giá gas đang cho thấy dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong bối cảnh dự báo thời tiết trái ngược nhau đã hỗ trợ nhu cầu vững chắc hơn và việc Nga đã tạo ra một sự bất ổn mới vào bức tranh nguồn cung toàn cầu.
Công ty Gazprom PJSC của Nga - từng cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, đã giảm tỷ lệ đó xuống dưới 10% kể từ khi Điện Kremlin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm nay. Theo các nhà lãnh đạo châu Âu và Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, Nga làm như vậy để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Gazprom đã nói rằng, Ukraine đã không cung cấp tất cả khí đốt tự nhiên mà họ đã gửi thông qua nước này cho người tiêu dùng ở Moldova. Công ty này đã cảnh báo rằng, nếu sự mất cân bằng tiếp tục, họ sẽ bắt đầu giảm nguồn cung cấp khí đốt cho một kết nối quan trọng - nơi khối lượng khí đốt của Nga đổ vào Ukraine.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, các kho nổi trữ LNG đang ngày càng trở nên phổ biến khi châu Âu chạy đua với thời gian để có được càng nhiều khí đốt tự nhiên càng tốt.
Trong tháng này, có thêm một nền tảng nổi để trữ LNG (Floating LNG - FLNG) bắt đầu xuất khẩu khí đốt từ Mozambique sang châu Âu trong khi một số FLNG và kho chứa nổi (FSRU) khác đã được thiết lập ở châu Âu, chỉ vài tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Nhu cầu với các dự án LNG nổi đang tăng cao, ở cả các nước nhập khẩu lẫn sản xuất khí đốt. Nhà đầu tư có xu hướng chi cho các dự án FLNG nhỏ, chi phí thấp hơn, khả năng hoàn vốn nhanh so với các cơ sở lưu trữ LNG khổng lồ trên đất liền với thời gian xây dựng lâu gấp đôi.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.