Giá gas hôm nay 22/2: "Đỏ rực" ngày thứ tư liên tiếp, vì sao?
Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh thời gian qua do thời tiết ấm áp bất thường trong mùa đông năm nay, cùng với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và kho dự trữ khí đốt dồi dào.
Đường ống Yamal-Europe vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu |
Nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá: “Châu Âu có vẻ như đã cai nghiện thành công khí đốt của Nga. Giá khí đốt TTF châu Âu vẫn còn đắt, nhưng không còn cần phải định giá trước nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn”.
Mùa đông ở châu Âu chỉ còn kéo dài 6 tuần, nhưng mức lấp đầy kho khí đốt dự trữ ở châu Âu - một trong những thước đo quan trọng đánh giá rủi ro thiếu hụt trong ngắn hạn hiện đang ở mức khoảng 65%, cao hơn nhiều so với mức trung bình vào thời điểm này hàng năm.
Châu Âu đã được cung cấp đầy đủ khí đốt nhờ tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu chở dầu trên biển chủ yếu từ Hoa Kỳ và Qatar.
Bên cạnh đó, dự báo nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ được cải thiện khi kho cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport LNG ở bang Texas ở Mỹ sắp hoạt động lại. Cơ sở này đóng góp đến 20% sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trước khi tạm dừng hoạt động vào mùa hè năm ngoái do sự cố hỏa hoạn.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể tăng do khả năng có một đợt lạnh giá vào cuối mùa Đông, sau khi giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất trong gần 18 tháng qua.
Công ty Maxar Technologies Inc. cũng dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn so với trước đó, với các hiện tượng bất thường dưới mức bình thường phổ biến hơn hiện đang xuất hiện ở phương Tây.
Mặc dù châu Âu đã vượt qua được mùa Đông mà không bị cắt giảm năng lượng hoặc mất điện, nhưng đợt lạnh giá đang rình rập là một lời nhắc nhở rằng mùa Đông vẫn còn một tháng nữa mới kết thúc.
Đồng thời, sự cạnh tranh với châu Á về khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể gia tăng. Ông Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận khí đốt tại Công ty tư vấn ICIS cảnh báo, giá khí đốt giảm có thể bắt đầu kích thích nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, với thương hiệu City Petro, từ ngày 1/2, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 5.250 đồng/kg. Bình gas loại 12kg của City Petro tăng 63.000 đồng/bình và loại bình gas 45kg tăng đến 236.000 đồng/bình.
Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 62.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 486.000 đồng/bình 12 kg.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.
Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.