Giá gas hôm nay 19/1: Nguồn cung ổn định và dự trữ tăng
Nga tin rằng chiến lược cắt giảm khí đốt sẽ khiến châu Âu khổ sở trong mùa đông lạnh giá và từ bỏ ủng hộ Ukraine. Bởi từ lâu, châu Âu là khách hàng lớn nhất của Nga đối với hầu hết mặt hàng năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Châu Âu đã nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới |
Nhưng thực tế không như mong đợi. Mùa đông năm nay ở Tây Âu và Trung Âu ấm áp hơn dự kiến. Cùng với đó, nỗ lực giảm tiêu thụ khí đốt quyết liệt của Liên minh châu Âu (EU) và lượng dự trữ khí đốt tăng đáng kể trong năm qua mà châu Âu đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng lớn trong mùa đông này.
Châu Âu đã nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm tự chủ nguồn cung năng lượng, chủ yếu nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và Na Uy. Châu Âu cũng chạy đua xây dựng các cảng LNG mới, trong đó có cảng tại Lubmin, miền bắc nước Đức. Các nước thành viên EU cũng thống nhất việc áp dụng biện pháp áp giá trần khí đốt.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, bất chấp chi phí lớn, các nước châu Âu đã tăng cường nguồn cung LNG từ giữa đến cuối năm 2022, tăng nhập khẩu từ 83 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2021 lên 141 bcm vào năm 2022.
Con số đó bù đắp khoảng 3/4 trong số 80 bcm mà châu Âu không còn nhận được từ các đường ống dẫn khí của Nga. Cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG mới đang mọc lên khắp châu Âu, bao gồm cả ở Đức, nơi 6 bến nổi tiếp nhận LNG sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu đã giảm khoảng 20% trong quý IV năm 2022 so với một năm trước đó. Tiêu thụ khí đốt ở Đức đầu tháng 12 năm ngoái thấp hơn 15% so với dự kiến.
Ủy ban châu Âu ngày 16/1 thông báo sẽ khởi động kế hoạch mua khí đốt chung trước mùa hè, nhằm giúp các nước thành viên làm đầy kho dự trữ và tránh tình trạng thiếu năng lượng vào mùa đông tới. Cơ chế mua chung có thể mang lại mức giá phải chăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau khi chính phủ nới lỏng chính sách "không Covid" và dự kiến tăng nhu cầu nhập khẩu LNG, có thể đẩy giá thị trường toàn cầu tăng cao.
Ông Adam Bell, cựu quan chức năng lượng Anh cảnh báo chỉ dự trữ khí đốt là không đủ và cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Các ngôi nhà, văn phòng cần có hệ thống cách nhiệt để giảm lãng phí năng lượng. Các công ty cũng cần thay đổi quy trình sản xuất để không phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên...
Còn tại thị trường trong nước, từ ngày 1/1/2023, giá gas bán lẻ trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 14.000-23.000 đồng, loại 45 kg giảm hơn 50.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.917 đồng đồng cho mỗi kg gas (tương đương 23.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Giá gas trong nước giảm mạnh là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 và biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2023 tại thị trường Hà Nội là 418.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.673.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 22.400 đồng/bình 12 kg và 89.800 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/1/2023, giá gas của hãng này giảm 23.000 đồng bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 415.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng có mức giảm tương tự. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/1/2023 giá gas giảm 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 12. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 428.912 đồng/bình 12 kg và 1.608.420 đồng/ bình 45 kg.