Giá điện mặt trời: Xây dựng kịch bản mới
Xác định Việt Nam có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, ĐMT), ngày 25/11/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng đó là nhiều ưu đãi về đầu tư xây dựng nhà máy và giá bán điện đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vì thế, tuy chỉ bắt đầu xây dựng nhà máy ĐMT từ năm 2015 nhưng đến hết tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy hòa lưới phát điện với tổng công suất trên 4.442 MW. Nếu tính cả điện gió, tổng quy mô công suất đặt nguồn điện năng lượng tái tạo toàn quốc là 4.880 MW.
Giá ĐMT mới có sự phân chia thang, bậc giá thành theo vùng |
Đáng lưu ý, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 6/2019, có trên 4.000 MW ĐMT hòa lưới vận hành và tập trung mật độ lớn tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, đã gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải khiến nhiều thời điểm các nhà máy điện cùng phát đồng loạt dẫn đến đường dây và trạm biến áp liên quan bị quá tải.
Để bảo đảm cung cấp điện liên tục cho phụ tải và vận hành an toàn lưới điện, tránh sự cố lan truyền xảy ra trên hệ thống, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và EVN phải phân bổ công suất phát các nhà máy phù hợp với khả năng truyền tải tối đa của lưới điện, trong đó có những cụm nhà máy phải hạn chế sản lượng phát tới 32%-34%.
Trước thực tế này, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - cho biết, Tập đoàn đã làm việc với các chủ đầu tư và các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện tái tạo (trong đó có điện mặt trời) đang vận hành. Trước mắt, một số công trình trọng điểm đang được EVN đẩy mạnh đầu tư như: đường dây 110 KV Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí mạch 2; trạm biến áp (TBA) 220 KV Phan Rí và đấu nối TBA 220 KV Hàm Tân, TBA 220 Cam Ranh, nâng công suất TBA 220 KV Tháp Chàm lên 2x250 MVA. Về dài hạn, theo EVN, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải mới.
Sớm hoàn thiện kịch bản giá mua điện mới
Cùng với những chính sách khuyến khích đầu tư, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, trong đó quy định giá ưu tiên mua điện là 9,35 cent (2.086 đồng)/kWh cho các dự án ĐMT. Tuy nhiên, quy định này đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Liên quan đến kịch bản giá mua điện mặt trời thay thế, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ và EVN phối hợp với các chuyên gia và các nhà khoa học, các địa phương để đề xuất một kịch bản tổng thể cho điện mặt trời, trong đó có giá mua điện cho thời điểm sau ngày 30/6/2019.
Ngày 31/7, Bộ Công Thương đã báo cáo đến Thường trực Chính phủ kịch bản giá mua ĐMT mới theo hướng không áp dụng một giá đồng nhất mà có sự phân chia thang, bậc giá thành theo vùng trên cơ sở mức bức xạ mặt trời và có tính toán đến các yếu tố thực địa xây dựng, như: ĐMT áp mái, dự án ĐMT xây dựng trên mặt đất, trên mặt nước sẽ phải có giá mua điện khác nhau.
Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo và hiện Bộ Công Thương cùng với các đơn vị liên quan đang khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện kịch bản giá mua điện mặt trời với thời hạn ngày 15/9/2019 sẽ trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ để xin ý kiến hoàn thiện và đưa vào áp dụng trong thời gian tới.
Mục tiêu trong xây dựng kịch bản giá ĐMT mới là giãn các dự án ra những vùng có bức xạ kém hơn để tránh quá tải trong truyền tải. |