Giá dầu thô hôm nay 1/6: Thị trường theo dõi diễn biến tại Trung Quốc
Cụ thể, dầu WTI giảm 0,35% xuống 114,67 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1,7% xuống 115,6 USD/thùng.
Rạng sáng hôm qua, thông tin EU bước đầu thống nhất được thỏa thuận chung cho 27 thành viên để tiến hành cấm nhập khẩu dầu của Nga đã tạo ra lực mua rất mạnh trên thị trường. Theo những phát biểu đầu tiên, EU dự định sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhóm nhập khẩu của Nga ngay trong năm nay. Con số này tương đương gần 3 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỗi ngày. Thông tin này đã khiến cho giá dầu WTI đã có lúc chạm đỉnh 120 USD/thùng thiết lập trong 3 tháng trước.
Tuy vậy, lực bán chốt lời phần nào gây áp lực trở lại khi thị trường bước vào phiên tối. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết, lệnh cấm nhập khẩu bằng đường ống sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, cụ thể là 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm tinh chế. Tuy vậy, Hungary và Czech, Slovakia, nhóm các quốc gia không giáp biển đã đạt được thỏa thuận miễn trừ từ lệnh cấm, do phụ thuộc nhiều vào lượng dầu chảy qua đường ống Druzhba. Bulgaria cũng đã dời được thời hạn cho mình đến hết năm 2024, do hệ thống lọc dầu của nước này chỉ được thiết kế để xử lý dầu thô từ Nga.
Chi tiết cụ thể của gói cấm vận đã khiến cho thị trường xóa sạch mức tăng trước đó. Năm 2021, theo số liệu tổng hợp của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, EU nhập khẩu tổng cộng 3,4 triệu thùng/ngày dầu các loại từ Nga, nhưng tính đến hết tháng 3/2022, con số này đã giảm dần xuống 2,25 triệu thùng/ngày, do Nga đã chuyển hướng thành công 1 phần sang khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu BCS Global Markets, giai đoạn 6 - 8 tháng có thể sẽ đủ để cho Nga giải quyết vấn đề về logistics cũng như các khó khăn trong thủ tục thanh toán, bảo hiểm để thúc đẩy bán các sản phẩm của mình cho các khách hàng khác, cũng như tìm cách để bán lại dầu cho một số khách hàng tại EU.