Thứ năm 28/11/2024 07:01

​Ghi ở dự án khai thác bauxite Tây Nguyên - BÀI 2: ... TỚI TÂN RAI

Ngót 150km từ huyện Đắk R'lấp tới huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) - nơi Dự án Tân Rai đang triển khai - chúng tôi được nghe rất nhiều thông tin vui về tình hình sản xuất nơi đây, đặc biệt là việc dự án đã cân bằng thu chi và bắt đầu có lãi ngay từ năm nay. 

I. Vừa tới cổng nhà máy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Vũ Minh Thành đã mong muốn được dẫn đoàn công tác tới thăm khu vực hoàn thổ của dự án. Lý do "thăm nơi hoàn thổ" trước khi "thăm nhà máy" được ông giải thích ngắn gọn: "Trong sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp phải song hành với lợi ích của người dân". Và chỉ khi được ngắm nhìn một màu xanh ngút mắt trải dài, tôi mới hiểu vì sao ông muốn chúng tôi tận mắt nhìn những gì doanh nghiệp đã làm, thay bằng chỉ nghe.

Ông Thành trao đổi, trong quá trình khai thác, dự án tuân thủ theo đúng thiết kế được duyệt, khai thác theo hình thức cuốn chiếu và hoàn thổ từng phần. Khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, sử dụng đất màu khi bóc phủ để san gạt, tạo mặt bằng và trồng cây. Thêm vào đó, công ty cũng đã đầu tư đắp đập, tạo hồ Cai Bảng có dung tích 20 triệu m3, nhằm dẫn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và hỗ trợ cho địa phương tưới tiêu. "Nước hồ hoàn toàn sạch, có thể sử dụng làm nước sinh hoạt hàng ngày" - ông Thành khẳng định.

Khu vực hoàn thổ của dự án và hồ chứa bùn đỏ dự phòng

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, dự án đã tổ chức quy hoạch khu tái định cư và tái định canh. Khu tái định cư thuộc thị trấn Lộc Thắng với diện tích 48,6ha đủ đáp ứng nhu cầu người dân trong vùng dự án. Công ty còn hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số xây dựng 29 căn nhà, hỗ trợ lắp đặt đường nước máy... từ khi bắt đầu dự án đến nay, công ty đóng góp tổng kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng trên 263,5 tỷ đồng (chưa kể số tiền hỗ trợ cải tạo tỉnh lộ 725 - đoạn qua tỉnh - 177 tỷ đồng).

Chia sẻ của ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho thấy, địa phương đã đánh giá cao tính hiệu quả của dự án về mặt xã hội: "Từ khi dự án đi vào hoạt động, "cái được" rất nhiều: Đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 1.700 lao động. Tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ Alumin. Đóng góp phúc lợi lớn. Đặc biệt, đây là nhà máy được đầu tư với tổng giá trị rất lớn nhưng quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng làm rất tốt".

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - nói: "Địa phương cũng đã phối hợp rất nhuần nhuyễn với công ty, tuyệt đối không để xảy ra "điểm nóng" khiếu kiện, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn".

Và con số 812,334 tỷ đồng cho công tác đền bù tính đến thời điểm hiện tại đã nói lên tính nghiêm túc, bền vững của dự án.

II. Tới thực tế tại 3 hồ chứa bùn đỏ cũng như các hồ thải quặng đuôi, mới thấy công tác xử lý môi trường được Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản (TKV) và Công ty Nhôm Lâm Đồng chú trọng tối đa.

Chỉ cho chúng tôi thấy khu vực xảy ra sự cố đê phụ của hồ thải quặng đuôi số 5 thuộc Nhà máy tuyển quặng bauxite bị vỡ hồi tháng 10/2014, ông Vũ Minh Thành trầm giọng: "Khi đó, nhiều cơ quan báo chí đưa thông tin sai lệch là hàng ngàn mét khối nước và bùn đỏ trôi ra ngoài. Thực chất, hồ thải quặng này dùng để chứa bùn, nước trong quá trình rửa quặng. Chất bùn trong lòng hồ tràn ra là bùn đất do rửa quặng thải ra, không có hóa chất, không gây độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong lòng hồ và không gây thiệt hại đến vườn, hoa màu của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, sau khi khắc phục sự cố, chúng tôi cũng đã cho dừng hoạt động hồ thải quặng đuôi này".

Khu vực hồ chứa bùn đỏ của dự án

Hiện tại, công ty đang đầu tư nghiên cứu thử nghiệm áp dụng công nghệ thải mới cho việc thải quặng đuôi nhà máy tuyển, lọc ép khô bùn đỏ, khuyến khích, xúc tiến các chương trình tái sử dụng bùn thải quặng đuôi, tro xỉ, bùn đỏ...; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong sản xuất như: vải lọc, chất trợ lắng, hóa chất trợ lọc, hỗ trợ quá trình kết tinh...

Tổng giám đốc Tập đoàn TKV - Đặng Thanh Hải thông tin thêm: "Một trong những điều lo ngại nhất từ trước đến nay đối với 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ là vấn đề môi trường. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng, hai dự án được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương, theo nhu cầu người dân. Chúng tôi đang thực hiện quan trắc môi trường trực tuyến, trong năm nay hoàn thành. Theo đó, trong quá trình quan trắc, bất cứ khu vực nào "có vấn đề" sẽ dừng sản xuất để đảm bảo không phát tán ra môi trường".

Từ khu vực khai thác, chế biến quặng đến khuôn viên nhà máy đều phủ một màu xanh

III. Tự hào nhắc tới rất nhiều về những đóng góp an sinh của dự án cho đồng bào, nhưng khi đề cập tới những con số "lỗ, lãi", ông Vũ Minh Thành lại rất khiêm tốn: Dự án đi vào vận hành, sản xuất thương mại từ ngày 1/10/2013. Giá trị đầu tư của dự án tổ hợp từ ngày khởi công đến nay đạt 15, 218 tỷ đồng (đạt 98,7% so với tổng mức đầu tư).

Năm 2016 đạt công suất 600.000 tấn Alumin/năm. Năm 2017 tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch 650.000 tấn alumia quy đổi. Doanh thu lũy kế đến hết tháng 6 đạt 13.9320 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 60 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã nộp ngân sách địa phương khoảng 2.235 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của CBCNV đều tăng từ 6,6 triệu đồng/người/tháng (năm 2014) và dự kiến năm 2017 là 8,1 triệu đồng/người/tháng.

Ông Bùi Thế - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - đưa thêm con số: Dự án Tân Rai đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (đến nay đã đạt trên 51% kế hoạch năm). Đặc biệt đóng góp lớn vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương trong năm 2017.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Đoàn công tác nghe giới thiệu tổng thể về dự án

Nói về kế hoạch cắt lỗ của dự án, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải cho biết, theo phương án đầu tư, thời gian lỗ kế hoạch của Dự án Tân Rai là 5 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể từ ngày 1/1/2016 phát sinh thêm thuế xuất khẩu Alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxite của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai khiến chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, TKV đã nỗ lực trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí nên đã giảm giá thành sản phẩm Alumin từ 5,81 triệu đồng/tấn năm 2014 xuống còn 4,107 triệu đồng/tấn năm 2016 (giảm gần 20%). Năm 2017, đơn giá bình quân dự kiến giảm còn 3,935 triệu đồng/tấn (bằng 76% so với giá thành thời điểm ban đầu năm 2014). Dự án đã cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn kế hoạch.

"Hiện, Công ty Nhôm Lâm Đồng nằm trong Top 30 nhà máy có giá thành sản xuất có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới" - Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải tự hào khẳng định.

Được biết, chất lượng quặng nguyên khai, quặng tinh và Alumin đã đạt và vượt theo thiết kế, tiêu thụ tốt trên thị trường. Sản phẩm Alumin/Hydrate đã được bán đến các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang thị trường Trung Đông, Malaysia.

IV. Về những hiệu quả có thể nhìn thấy trong giai đoạn tới, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải nhận định, Tập đoàn TKV sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ thiết bị, nâng cao năng lực quản lý để làm sao dự án tiếp tục thu được kết quả kinh tế và sức cạnh tranh cao hơn. Thêm vào đó, với tình hình thị trường Alumin rất tốt như hiện nay, thời gian tới sẽ định hướng sẽ lập dự án cường hóa nhà máy (chỉ cần đầu tư một số hạng mục nhỏ sẽ nâng công suất lên 10 – 20%), bởi sản phẩm đang được nhiều khách hàng ưa chuộng và đề nghị ký hợp đồng lâu dài.

Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải nhìn nhận: "Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thí điểm, trong quá trình thử nghiệm, dù hết sức nỗ lực cố gắng cũng khó tránh khỏi những trục trặc phát sinh. Nhưng Tập đoàn TKV sẽ quyết tâm giải quyết rốt ráo từng vấn đề".

Toàn cảnh Nhà máy Tân Rai

Đánh giá cao tính hiệu quả đến thời điểm hiện tại của hai dự án bauxite, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhắc lại: "Đây không phải là dự án của TKV hay của Bộ Công Thương, mà là dự án quan trọng do Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện. Ba năm qua, lỗ kế hoạch 3.645 tỷ đồng, như vậy mỗi năm lỗ gần 1.200 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, nếu cắt lỗ TKV đã tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng" (khoản bù lỗ là hoàn toàn của TKV chứ không phải từ ngân sách - PV).

Thứ trưởng lưu ý, giá cao là điều kiện thuận lợi, nhưng không được chủ quan mà vẫn phải tiếp tục tinh giản, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cần lập đề án tổng thể, trong đó có cả phần hoàn thổ bằng việc trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Sự đồng hành của địa phương đã được ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết: "Sẽ tạo điều kiện tối đa cho dự án để làm sao bộ mặt đời sống nhân dân được thay đổi, góp phần tạo tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp nhôm, các ngành công nghiệp hỗ trợ chế biến các sản phẩm từ nhôm".

Phương Tư Oanh

Tin cùng chuyên mục

TKV: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển xe Hybrid

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc tại Lào về dự án muối mỏ Kali

Nhà máy Alumin Lâm Đồng có nguy cơ dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào

Chiến lược phát triển ngành thép: Tầm nhìn mới cho ngành công nghiệp trọng điểm

Bộ Công Thương đặt mục tiêu sản xuất hộp số, động cơ cho ô tô tại Việt Nam

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8

Chính thức giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước từ tháng 9

Giải bài toán giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp điện tử

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Hóa chất Việt Nam

TKV khẳng định vị thế một trong 3 trụ cột năng lượng quốc gia

Tính đúng, đủ để có giá bán điện hợp lý, tạo động lực thu hút đầu tư

Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc

Thông qua đánh giá trữ lượng mỏ than Đồng Rì (Bắc Giang)

5 vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít

Dự kiến sản lượng cả năm đạt 30 triệu tấn, vì sao ngành thép vẫn lo?

Quảng Ngãi: Hoạt động của Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã khởi sắc tích cực

Việt Nam hướng đến vị thế trung tâm công nghiệp tiếp theo của châu Á