Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng trưởng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm trước, nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng - Tổng cục Thống kê, điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Song mức giảm này đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm 2017. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng khá với tốc độ 7,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%; khu vực dịch vụ chiếm 41,82%; thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,25%. Cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ này lần lượt là 15,06%; 32,75%; 41,82% và 10,37%. |
"Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,86 điểm phần trăm", ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,67%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm trước, song ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước đã không còn đúng với năm 2018, điều này đã được dự báo từ đầu năm. Cụ thể, quý I, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,45%, nhưng quý II đạt 6,79%. Do đó, nhiều khả năng tăng trưởng quý III và quý IV sẽ không đạt được tốc độ như 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2018 vẫn đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.
Đồng tình với nhận định trên, ông Dương Mạnh Hùng - Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - cho rằng: Tăng trưởng năm 2018 dự kiến đạt được mục tiêu 6,7%, bởi mặc dù một số ngành như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng chững lại, song ngành nông nghiệp và dịch vụ lại tăng trưởng tốt, có nhiều cơ hội bứt phá vào những tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, không nên chủ quan với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Theo đó, Tổng cục Thống kê yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có ứng phó kịp thời. Đồng thời, bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương đã xây dựng để có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.