Gặp những người thầm lặng tình nguyện nấu cháo sẻ chia với bệnh nhân nghèo
"Nhóm" lên ngọn lửa yêu thương
Việc nấu cháo hỗ trợ bệnh nhân nghèo do nhóm Thiện tâm Hương Khê khởi xướng. Nồi cháo ấm lòng bệnh nhân này được thực hiện đều đặn sáng thứ 5 hằng tuần. Cứ đến lịch, cả nhóm tập trung tại nhà chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, ở tổ dân phố 5, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh để nhóm lửa nấu cháo.
Tại đây, mỗi người một công việc. Người rửa rau, gọt củ quả, người vò gạo, ninh xương, bằm thịt… Sau hai giờ đồng hồ, nhóm thiện tâm này đã có nồi cháo nóng thơm ngon mang đến bệnh viện phát cho từng người bệnh. Ai không đến nhận được, nhóm cử người mang đến tận giường bệnh.
Nồi cháo tình thương của nhóm Thiện tâm Hương Khê duy trì được hơn 7 năm nay, kinh phí nấu cháo do các thành viên đóng quỹ hằng tháng. |
Vào thăm người bạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), tôi thấy cô y tá thông báo: “Trưa nay có nồi cháo yêu thương. Người nhà ai muốn ăn cháo cũng được phát miễn phí”.
Nghe vậy, ông Đoàn Khắc Cảnh, 85 tuổi, ở xã Hòa Hải (Hương Khê) liền gọi điện thoại dặn người thân không mua cháo ở ngoài mang vào kẻo lãng phí.
Đúng 11 giờ trưa, ông và một số người bệnh cùng phòng đi nhận cháo yêu thương. Bưng bát cháo nóng hổi, ông Cảnh không giấu được niềm vui: “Đến bệnh viện điều trị ai cũng lo lắng tiền nong vì điều trị lâu ngày. Được ăn những bữa cháo miễn phí thật ấm lòng và đỡ đi nhiều lắm…”.
Chị Thuỷ tâm sự: "Biết nhóm này làm việc thiện, có anh nông dân góp cho cân gạo, chị bán thịt ở chợ cho thêm cân xương để nồi cháo thêm ngon. Thậm chí có người nói, mình không góp được công thì góp tiền để nồi cháo vẫn đỏ lửa, người bệnh được vui lây". |
Nồi cháo này của nhóm Thiện tâm Hương Khê duy trì được hơn 7 năm nay. Ngày thành lập nhóm chỉ 5 thanh viên. Tiền nấu cháo do các thành viên đóng quỹ hằng tháng. Ai cũng nhớ những ngày đầu thành lập, có tháng thâm hụt, tiền quỹ không đủ cả nhóm phải đi gom phế liệu bán lấy tiền nấu cháo.
“Hồi đó, mọi người nghĩ rất khó đỏ lửa lâu dài nấu cháo. Vì bệnh nhân nghèo chúng tôi quyết tâm duy trì nồi cháo cho đến nay. Sau này không ai tham gia nữa, vợ chồng tôi vẫn nấu cháo cho người bệnh. Miễn là điều tốt cho đi rồi sẽ quay trở lại…”, chị Thủy tâm sự.
Bát cháo của nhóm Thiện Tâm Hương Khê tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người bệnh |
Ngoài nấu cháo, nhóm Thiện tâm Hương Khê còn kêu gọi, quyên góp giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Đến mùa mưa lũ, nhóm còn tổ chức nấu cơm, chèo thuyền vượt dòng nước dữ phát cho người dân ăn qua ngày...
Hỏi về nồi cháo yêu thương của nhóm thiện nguyện này, ông Lê Anh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hương Khê, nói : “Đến bây giờ bệnh viện chúng tôi cảm ơn nhóm Thiện tâm Hương Khê với tấm lòng phục vụ người bệnh là chính. Bát cháo tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người bệnh đang nằm điều trị”.
Mượn tiền bạn bè nấu cháo... miễn phí
Không chỉ có nhóm Thiện tâm Hương Khê, suốt 9 năm nay anh Nguyễn Xuân Kiên, ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thành lập câu lạc bộ Thiện nguyện Xuyên Đêm, kêu gọi nấu những bữa cơm, bữa cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo ở các cửa viện.
Tìm đến một số bệnh viện hỏi việc làm tử tế dành cho người bệnh của Kiên thì nhiều người đều biết. Hay tiếp xúc với Kiên, đặc biệt cùng đồng hành phát cháo cho bệnh nhân ở huyện Hương Khê khiến tôi cảm phục, quý mến anh hơn.
Hằng tuần, Kiên đến cửa viện nấu cháo tình thương, trực tiếp phát cho người bệnh |
Thời gian học nấu ăn ở Hà Nội, Kiên có tham gia một số hoạt động thiện nguyện. Sau khi lập gia đình, Kiên trăn trở sao ở quê mình người làm thiện nguyện rất ít, việc này rất hữu ích, giúp đỡ những mảnh đời vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống…
Năm 2014, Kiên lập ra câu lạc bộ Thiện nguyện Xuyên Đêm. Câu lạc bộ có 10 người, Kiên đề ra mỗi tháng phải nấu một nồi cơm, một nồi cháo tình thường phát cho bệnh nhân nghèo. Có lần người bệnh đăng ký đông, Kiên phải nấu hai nồi cháo nhưng lại không đủ tiền mua nguyên liệu đành đi mượn bạn bè. Biết chuyện, bạn của Kiên không nỡ lòng đòi lại… |
Sau hai năm câu lạc bộ thiện nguyện do Kiên lập được nhiều người biết và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Thấy các thành viên đảm nhận được nồi cháo tình thương, Kiên đã xin ra khỏi câu lạc bộ. Nhưng hằng tuần, Kiên vẫn đến cửa viện nấu cháo tình thương phát cho người bệnh.
Thấy Kiên năng nổ, tận tâm vì người bệnh, một số người hảo tâm gửi tiền nhờ Kiên nấu cháo. Nếu tuần nào không có ai gửi tiền để nấu cháo, Kiên tự bỏ tiền túi ra nấu. “Ba năm nay, em luôn phối hợp với một số người hảo tâm nấu cháo tình thương. Em thấy cuộc sống này có nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ lắm. Biết hoàn cảnh nào đó mà chưa đến tìm hiểu, giúp đỡ thì em thấy áy náy trong người…”, Kiên bộc bạch.
Suốt 9 năm Kiên thành lập nhóm, kêu gọi nấu những bữa cơm, bữa cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo ở các cửa viện. |
Hiện nay Kiên làm đầu bếp tự do, ai thuê nấu gì là Kiến đến nấu. Nhưng khi nghe thông tin ở đâu có hoàn cảnh bất hạnh, Kiên lại gác lại việc công việc đến tận nơi tìm hiểu. Có hoàn cảnh, Kiên còn kêu gọi xây được nhà nhân ái…
Không chỉ có nồi cháo yêu thương của Kiên, hiện nay có rất nhiều nhóm thiện nguyện nấu cơm miễn phí, nấu cháo tình nghĩa cho bệnh nhận nghèo. Nhờ vậy nhiều bệnh nhân đã giảm bớt đi phần nào đó chi phí trong quá trình điều trị.
Dù những nồi cháo tuy không đáng là bao, nhưng nó là công sức, là tâm huyết của những con người thâm lặng, luôn biết hy sinh, cống hiến cho cộng đồng. Và hơn hết, nó còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn để những bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.