Gần 3.000 cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội bị đình chỉ, tạm đình chỉ
Chiều 26/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố và triển khai Kế hoạch 273/KH-UBND ngày 24/10/2022 về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND thành phố.
UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố |
Báo cáo tóm tắt Tổng kết thực hiện Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy; triển khai Kế hoạch thực Nghị quyết 05 của HĐND thành phố, Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP. Hà Nội cho biết, tính đến ngày 12/12/2022, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn thành phố là 159.990 cơ sở.
Sau 2 tháng triển khai thực hiện, TP. Hà Nội đã hoàn thành trước thời hạn 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra theo yêu cầu của Bộ Công an. Công tác xử lý vi phạm đã được tăng cường, đẩy mạnh, trong đó đã xử lý các vi phạm có số tiền xử phạt lớn, kết quả đã xử phạt trên 72 tỷ đồng, tạm đình chỉ 1.678 cơ sở, đình chỉ 1.304 cơ sở.
Kết quả 6 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA ngày 01/6/2022 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội như sau: Tính đến ngày 15/12/2022, các lực lượng đã tổ chức kiểm tra 802.185 lượt nhà ở hộ gia đình/nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, phát hiện 346.077 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, xử phạt 88 trường hợp với số tiền phạt gần 200 triệu đồng, trong đó đã kiểm tra đối với 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Cùng với tuyên truyền vận động mở lối thoát nạn thứ 2, Công an TP. Hà Nội đã tích cực vận động các hộ gia đình chủ động trang bị thêm bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ và có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn.
Về công tác khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động, Đại tá Phạm Trung Hiếu cho hay, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.883 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đưa vào hoạt động... Năm 2022, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với 5.437 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 717 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 37 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 611 trường hợp.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố, các đơn vị đã kiểm tra, rà soát 100% cơ trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại có tổng số 1.538 cơ sở, trong đó có 733 cơ sở do cơ quan công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý; quá trình kiểm tra đã xử phạt 423 trường hợp với số tiền phạt trên 4,6 tỷ đồng; 100% cơ sở đã có văn bản, kiến nghị yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục; đã ban hành 571 quyết định tạm đình chỉ, 568 quyết định đình chỉ hoạt động.
Đại tá Phạm Trung Hiếu đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình cơ sở này; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật; tăng cường giám sát việc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ và yêu cầu dừng hoạt động của các cơ quan chức năng; tuyệt đối không để cơ sở hoạt động “chui”, “lén lút” hoạt động; xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và văn hóa, thu hồi các loại giấy phép theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để triển khai thực hiện đồng bộ.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về phòng cháy chữa cháy; nhân rộng các mô hình về phòng cháy chữa cháy đã thí điểm triển khai có hiệu quả trong năm qua; tập trung xây dựng lực lượng dân phòng cả về lực lượng và trang bị phương tiện để áp dụng với yêu cầu “bốn tại chỗ”.
'Phải có hình thức kiểm điểm đối với chủ tịch UBND cấp xã không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, không tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn. Đặc biệt, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại về người, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định', ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.