Finnovation 2022: Cuộc thi lớn nhất về khởi nghiệp công nghệ tài chính
Xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh
Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) dành cho sinh viên nhằm mục đích phổ biến, nâng cao nhận thức của xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số.
Đội Zinance đã vượt lên 4 đội còn lại để giành chức vô địch Finnovation 2022 |
Đồng thời góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, điều kiện cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh và hướng ra quốc tế.
Hoạt động được tổ chức bởi Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên (Hội sinh viên Việt Nam); Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh .
Trải qua 3 vòng thi sôi nổi và các hoạt động đào tạo, huấn luyện giá trị, Finnovation 2022 đã xác định ra 5 đội xuất sắc nhất bước vào Chung kết tranh ngôi quán quân. Đó là các đội thi: The Faunaverse, WeShare, Mediaverse, GOVO, Zinance.
Với ý tưởng mới mẻ và tiềm năng đi ra thị trường cao kết hợp với khả năng thuyết trình và trả lời câu hỏi tốt, đội Zinance đã vượt lên 4 đội còn lại để giành chức vô địch Finnovation 2022. Ngôi Á quân thuộc về 2 đội WeShare, Mediaverse. Về ở vị trí thứ ba là 2 đội Govo, Faunaverse.
Ông Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực then chốt, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, là chìa khoá để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới, dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian vừa qua, nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án, để triển khai nhiều hoạt động, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên, qua đó, góp phần truyền tải, bồi dưỡng tư duy về khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, đã có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đoàn viên, học sinh sinh viên được phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm và hỗ trợ để hiện thực hoá. Trong năm 2021 nói riêng, toàn Đoàn đã tổ chức được 1.453 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút được tổng cộng hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia, với gần 13.900 ý tưởng khởi nghiệp.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhấn mạnh, Finnovation là cuộc thi kích hoạt cho các hoạt động đổi mới sáng tạo mở quốc gia về lĩnh vực tài chính, tài sản; định hướng là môi trường mở cho khởi nghiệp sáng tạo mở trong tương lai.
"Gần 100 dự án của mùa thi năm 2022 dù có trở thành quán quân, á quân hay không; dù có được đầu tư hay không; dù có trở thành một startup thành công hay không thì vẫn được ghi nhận là những dự án đã góp phần khởi nguồn và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của nền công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam trong tương lai" - ông Phạm Hồng Quất nói.
70% doanh nghiệp khởi nghiệp mới tập trung vào lĩnh vực fintech
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban tổ chức cuộc thi, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù là năm đầu tổ chức nhưng Ban tổ chức Finnovation 2022 đã có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh để tạo nên thành công của cuộc thi.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu chương trình Chung kết và Gala tổng kết, trao giải Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022” |
Bên cạnh đó, từ hiệu quả của công tác truyền thông, nhận thức của xã hội trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số cũng dần được nâng cao, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh và hướng ra quốc tế.
Ông Phạm Hoài Trung, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Azibai chia sẻ, với vai trò là đối tác chiến lược và nhà đầu tư ngồi ghế ban giám khảo, tôi và Azibai đặt mục tiêu tìm kiếm các dự án fintech có tiềm năng phục vụ cho các nhu các cầu xã hội thời đại mới, đặc biệt có khả năng giải quyết những bài toán khó của thương mại điện tử nói chung cũng như cho Hệ sinh thái Azibai nói riêng.
“Tôi thấy rằng, các đội thi dù còn rất trẻ nhưng đã có được cái nhìn khá sâu sắc và có tính phát hiện cao về thị trường đồng thời đã đưa ra được những giải pháp đổi mới, sáng tạo có triển vọng” - ông Phạm Hoài Trung nhận định.
Theo báo cáo của Statista, giá trị giao dịch của lĩnh vực fintech tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên 26.378 triệu USD vào năm 2025. Cùng với sự gia tăng giá trị giao dịch, số người dùng lĩnh vực fintech ở Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm.
Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên ngành công nghiệp fintech lại là một trường hợp ngoại lệ với sự phát triển vượt bậc.
Năm 2021, trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới thì có đến gần 70% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực fintech. Những thống kê bên trên cho thấy lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn.