Fintech mang lại nhiều cơ hội mới cho tài năng IT Việt Thử nghiệm 3 giải pháp Fintech kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng Quản lý Fintech cần “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi |
Thị trường Fintech đang ở giai đoạn đầu phát triển và được nhận định là có rất nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 250 công ty Fintech, trong đó có 176 công ty Fintech startup. Trong khi đó, ở lĩnh vực này, Singapore có hơn 1.100 công ty; Indonesia có hơn 500 công ty; Malaysia có 376 công ty; Thái Lan có 216 công ty; Philippines 194 công ty…
Thông tin tại hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ “Fintech tại Việt Nam: Thực trạng, xu hướng phát triển và khuyến nghị chính sách”, diễn ra sáng nay tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - cho biết, sự phát triển nhanh chóng của Fintech trong thời gian gần đây đã mang đến nhiều thay đổi trong lĩnh vực tài chính và thị trường tài chính cũng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào Fintech. Tuy nhiên, mức độ phát triển và đầu tư Fintech không đồng đều giữa các khu vực, trong đó riêng lĩnh vực ngân hàng thì công nghệ tài chính đang rất phát triển. “Fintech đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức với các ngân hàng, thúc đẩy các nhà băng chuyển đổi số nhanh hơn” - bà Hiền nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu - chia sẻ, quá trình nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến Fintech tại Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng đó là khung pháp lý về các công nghệ tài chính và công ty Fintech tại Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn sơ khai.
Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các mô hình cho Fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm để xây dựng một hệ sinh thái Fintech hoàn chỉnh, đa dạng |
Theo quan sát và nhận định của nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang sử dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát để quản lý lĩnh vực Fintech, khi các cơ quan quản lý chủ yếu vẫn đang thực hiện nghiên cứu thị trường và quan sát, học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường phát triển hơn. Một trường hợp ngoại lệ trên thị trường là với lĩnh vực thanh toán, khi Việt Nam đã sử dụng các tiếp cận thử nghiệm và học hỏi.
Từ thực tế nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất trong thời gian tới Việt Nam nên chuyển đổi cách tiếp cận chờ đợi và quan sát hiện nay sang các cách tiếp cận chủ động hơn.
Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech (Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.
Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các mô hình cho Fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm để xây dựng một hệ sinh thái Fintech hoàn chỉnh, đa dạng.
Về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi hoặc bổ sung các quy định về liên quan tới hoạt động của tổ chức không phải ngân hàng trong hoạt động trung gian thanh toán, ngân hàng đại lý trong hoạt động thanh toán, chuẩn kết nối Open API...; tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm thuế và ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp Fintech startup, đặc biệt trong giai đoạn đầu.