EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào
Nhận lời mời của Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng (DESM- thuộc Bộ Năng lượng & Mỏ, nước CHDCND Lào) và các Công ty khác thuộc lĩnh vực năng lượng tại Lào, từ ngày 09/12 đến 13/12/2024, Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã tổ chức chuyến công tác làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển các dự án thủy điện cùng các dự án tiềm năng khác và cung cấp dịch vụ vận hành bảo trì các nhà máy điện hiện hữu tại CHDCND Lào.
Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) làm việc với Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng nước CHDCND Lào (Ảnh: Minh Lương - Thanh Hùng) |
Đoàn công tác do ông Trần Phú Thái – Chủ tịch HĐQT EVNGENCO2 làm trưởng đoàn cùng với sự tham gia của Lãnh đạo, các Ban chức năng Tổng công ty, Công ty Thủy điện Quảng Trị, các Công ty CP Thủy điện Thác Mơ, A Vương, Sông Ba Hạ.
Trong thời gian làm việc, Đoàn công tác EVNGENCO2 đã tiếp xúc làm việc với Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng (DESM - thuộc Bộ Năng lượng & Mỏ, nước CHDCND Lào). Tại đây, ông Bouathep Malaykham - Cục trưởng Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng Lào cho biết rất hân hạnh được đón tiếp, làm việc với Đoàn công tác EVNGENCO2 và đã giới thiệu về các nhiệm vụ chính của Cục bao gồm soạn thảo, thực thi luật/quy định/hướng dẫn về an toàn đập; xem xét có ý kiến phê duyệt thiết kế cơ sở, thanh kiểm tra về xây dựng, an toàn, hoạt động các dự án thủy điện, nhiệt điện than; quản lý an toàn nguồn nước và xã lũ; xem xét phê duyệt phương án hành động khẩn cấp trong các giai đoạn xây dựng, ngăn nước và vận hành công trình. EVNGENCO2 cũng đã tự giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm, các kết quả nổi bật về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty từ khi thành lập đến nay. Trong lần đầu gặp gỡ, hai bên đã trao đổi sơ bộ về phương án hợp tác lâu dài đối với lĩnh vực an toàn công nghiệp, năng lượng & đầu tư trong ngành năng lượng tại Lào, thống nhất sẽ lập nhóm công tác chung để tiếp tục triển khai nhằm cụ thể hóa việc hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
EVNGENCO2 đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại nước CHDCND Lào (Ảnh: Minh Lương - Thanh Hùng) |
Trong chuyến đi, Đoàn công tác EVNGENCO2 đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại nước CHDCND Lào và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán thông qua việc sắp xếp cho Đoàn công tác EVNGENCO2 được làm việc thuận lợi với các đơn vị ngành năng lượng tại Lào. Ngài tham tán Đại sứ quán cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho EVNGENCO2 trong việc phát triển đầu tư các dự án tại Lào nhằm góp phần tăng cường cung cấp điện giữa hai nước Việt - Lào trong thời gian tới.
Trong thời gian còn lại, đoàn công tác EVNGENCO2 đã tiếp xúc và làm việc với các công ty thuộc lĩnh vực năng lượng tại Viêng Chăn, như sau:
Công ty TNHH Điện lực Nam Theun 2 (NTPC)
Là đơn vị có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển thủy điện tại Lào, được thành lập và đặt trụ sở tại CHDCND Lào dựa trên Thỏa thuận Cổ đông giữa Chính phủ CHDCND Lào thông qua Doanh nghiệp cổ phần nhà nước Lào (LHSE) (cổ đông 25%), EDF-NTH (Electricite de France – Nam Theun 2 Holding) (cổ đông 40%) và Công ty TNHH Đại chúng Phát điện (EGCO) (35% cổ đông). Mục đích của NTPC là sản xuất điện theo Thỏa thuận nhượng quyền (CA) giữa công ty và chính phủ CHDCND Lào. Ngày vận hành thương mại (COD) vào tháng 4 năm 2010. Đến năm 2035, công ty sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu dự án về cho Chính phủ CHDCND Lào miễn phí.
EVNGENCO2 làm việc với Công ty TNHH Điện lực Nam Theun 2 (Ảnh: Minh Lương - Thanh Hùng) |
Công ty này có nhà máy điện (gồm bốn tuabin Francis và hai tuabin Pelton, tương ứng cho EGAT và EDL) với công suất ròng phát điện là 1.070 MW tại trung tâm tỉnh Khammouane ở miền Trung Lào, Cao nguyên Nakai nơi có hồ chứa nước rộng 450 km2 qua đập trọng lực cao 39m trên sông Nam Theun, một nhánh của sông Mê Kông. Nước từ hồ chứa này có tổng dung tích lưu trữ là 3.910 triệu m3 được chuyển hướng thông qua hệ thống đường nước ngầm từ độ cao khoảng 350 mét xuống nhà máy điện nằm ở quận Gnommalath, sản xuất trung bình 6.000 GWh (gigawatt giờ) điện hàng năm, là một trong số các nhà máy thủy điện lớn nhất ở Đông Nam Á. Nước đầu ra từ nhà máy điện chảy vào ao điều hòa và từ đó tới Sông Xe Bang Fai qua kênh nhân tạo dài 27 km hay còn gọi là kênh hạ lưu. Khoảng 95% công suất phát điện và nguồn điện do dự án cung cấp sẽ được cung cấp cho EGAT (Cơ quan phát điện Thái Lan) và 5% còn lại được bán cho EDL (Electricité du Lào - Điện lực Lào).
Qua trao đổi trong buổi làm việc, ông Marc- Antoine Rupp - Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Công ty TNHH Điện lực Nam Theun 2 cho biết đang có nhu cầu về bảo trì sửa chữa thiết bị thủy điện. Theo đó, đoàn công tác của EVNGENCO2 giới thiệu Công ty CP Thủy điện A Vương là đơn vị có năng lực kinh nghiệm sửa chữa lớn phù hợp với nhu cầu của NTPC. Trên cơ sở đề xuất của EVNGENCO2, NTPC thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với Công ty CP Thủy điện A Vương về việc cung cấp dịch vụ bảo trì liên quan đến nhà máy thủy điện Nam Theun 2 hiện hữu tại CHDCND Lào.
EVNGENCO2 làm việc tại Công ty Truyền tải Điện Lào (Ảnh: Minh Lương - Thanh Hùng) |
Công ty Truyền tải Điện Lào (EDL-T)
Công ty Truyền tải Điện Lào là đơn vị do Công ty Lan Thương Mekong của Tập đoàn Lưới điện phương Nam Trung Quốc (CSG-LMI) và Tập đoàn điện lực Lào (EDL) cùng thành lập theo tỷ lệ cổ phần 90% /10%, nhận quyền vận hành lưới điện truyền tải từ 230 kV trở lên tại Lào và tiếp tục đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống điện truyền tải Lào nhằm thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững của lưới điện Lào trong vòng 40 năm.
Theo kết quả trao đổi giữa hai bên, ông LIN RUI – Chủ tịch EDL-T cho biết Công ty Truyền tải Điện Lào có nhu cầu bảo trì lưới truyền tải đang quản lý. Theo đó, EVNGENCO2 và EDL-T thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với Công ty CP Thủy điện A Vương là đơn vị có năng lực kinh nghiệm thí nghiệm, sữa chữa thiết bị điện để cung cấp dịch vụ bảo trì liên quan đến lưới điện hiện hữu của EDL-T tại CHDCND Lào.
EVNGENCO2 làm việc với Tập đoàn Phongsupthavy (Ảnh: Minh Lương - Thanh Hùng) |
Tập đoàn Phongsupthavy (Phongsupthavy Group)
Tập đoàn Phongsupthavy được thành lập năm 2001 với tên là Phongsupthavy Road-Bridge Building & Irrigation Construction Sole Co., Ltd. Đến năm 2021 đổi tên thành Phongsuopthavy Group (PSTG) với vốn đăng ký lên 3.000 tỷ Kip. Giai đọan 2011- 2022, Tập đoàn này xây dựng xong 10 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 254,3 MW. Năm 2023, Phongsupthavy Group có 10 dự án nhà máy thủy điện đang xây dựng với tổng công suất 3.705 MW và theo kế hoạch còn có 54 dự án nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 25.465 MW, ngoài ra còn có 8 dự án điện gió đang dự kiến với tổng công suất lắp đặt 5.800 MW.
Tại buổi làm việc ở trụ sở Phongsupthavy Group (PSTG), hai bên đã giới thiệu, trao đổi thông tin về hoạt động của nhau và mong muốn cùng hợp tác về lĩnh vực quản lý vận hành, bảo trì các nhà máy thủy điện, cũng như đầu tư phát triển các dự án thủy điện và các dự án tiềm năng khác của phía PSTG. Theo đó, ông Kounlaphan Vongnathi - Phó Tổng Giám đốc PSTG đề nghị sẽ lập nhóm công tác chung để xem xét cụ thể những dự án có thể hợp tác được để xúc tiến triển khai trong thời gian tới.