EVNCPC: Đến năm 2020 90% lưu lượng tiền thanh toán không dùng tiền mặt
Tham dự hội thảo có sự phối hợp tham gia của Tổng Công ty Dịch vụ Số Viettel và đại diện các Công ty Điện lực thành viên.
Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) hiện hoạt động sản xuất, cung ứng điện năng trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung – Tây Nguyên với 4.217.442 khách hàng. Theo báo cáo tại Hội thảo, từ năm 2010 EVNCPC đã bắt đầu hợp tác với các ngân hàng để thu tiền điện, chủ yếu tập trung cho những khách hàng lớn nộp tiền bằng chuyển khoản qua ngân hàng theo quy định của cơ quan thuế. Số lượng lớn khách hàng chủ yếu nộp tiền điện tại nhà hoặc tại các quầy giao dịch của Điện lực, do thu ngân viên trực tiếp thu.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung Phạm Sỹ Hùng cho hay, chúng ta đang bước vào kỹ nguyên số do đó các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT kinh doanh phục vụ khách hàng đều hướng đến phát triển doanh nghiệp số. Năm 2018 đã có 44% khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên 90% khách hàng của EVNCPC. Vướng mắc lớn nhất ở hình thức này là ở vùng sâu vùng xa chưa có cơ sở ngân hàng cho người dân giao dịch.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự đã đưa ra những thuận lợi và khó khăn cho công tác phát triển hình thức thanh toán số cho ngành điện. Trong đó ngoài những thuận lợi như: Chủ trương của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó nêu rõ nội dung thanh toán tiền điện đi tiên phong; Sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương; Phù hợp xu thế phát triển hiện đại; Hạ tầng CNTT đảm bảo đáp ứng tốt cho việc triển khai các giải pháp thanh toán điện tử.
Những thuận lợi và khó khăn cho công tác phát triển hình thức thanh toán số cho ngành điện đã được nêu ra tại Hội thảo |
Đồng thời, còn không ít khó khăn cho hình thức thanh toán mới này cụ thể : mạng lưới khách hàng phần đông lại phân bố trên địa hình trải dài, nhiều đồi núi, thu nhập không cao, rất ít tài khoản ngân hàng; mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố. Nhiều khu vực nông thôn, miền núi có rất ít hoặc không có ngân hàng nên việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng ở các khu vực này không phổ biến; thói quen sử dụng tiền mặt của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay; khách hàng thanh toán tiền điện đa phần là người nhiều tuổi, không quen sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán điện tử; các khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn còn nhiều và không có nhu cầu sử dụng tài khoản Ngân hàng…
Tại Hội thảo, EVNCPC đã đưa ra đề xuất cho đơn vị liên kết là Tổng Công ty Dịch vụ Số Viettel cùng phối hợp rà soát, bổ sung chi tiết các nội dung phối hợp triển khai thanh toán qua ViettelPay phù hợp với từng địa bàn, có các chương trình khuyến mãi riêng cho khách hàng trong khu vực này cài đặt app ViettelPay và thanh toán tiền điện. Giao chỉ tiêu cụ thể cho Viettel các tỉnh trong việc phát triển khách hàng thanh toán tiền điện trên địa bàn, định kỳ tổng kết, đánh giá. xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trong việc vận động, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app ViettelPay để thanh toán tiền điện