Chính phủ cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số phải có trọng tâm, trọng điểm |
Trở thành ngành đóng góp lớn vào kinh tế đất nước
3 mục đích được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Tờ trình gửi Chính phủ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số mà cơ quan này đang soạn thảo, bao gồm: Thứ nhất, phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đặt mục tiêu, phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước (Ảnh: CP) |
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba, khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Cũng tại Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Theo đó, về cơ sở pháp lý, chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước. Các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước gần đây tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế về công nghiệp công nghệ số.
Điển hình, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp: Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội; đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 4G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế...
Trên cơ sở phân tích trên đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Cần sớm nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ số để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò làm khung pháp lý định hình ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam (Ảnh: ST) |
Góp ý xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số
Phát biểu tại Hội thảo Góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchaine Việt Nam cho rằng: Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu sâu về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và nhận thấy, đây là một văn bản pháp lý quan trọng và kịp thời, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hiệp hội cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng một khung pháp lý toàn diện và hiệu quả.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Huyền Minh, Luật sư cấp cao, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN cho biết: Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò làm khung pháp lý định hình ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn khi ngày càng có nhiều công nghệ mới xuất hiện, có tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân Việt Nam nói riêng và con người trên toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Dự Thảo Luật Công nghiệp công nghệ số còn một số quy định chưa được rõ ràng, thiếu hợp lý. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề và khó khăn cho các doanh nghiệp khi chuẩn bị kế hoạch tuân thủ trên thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Thư - Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: Ghi nhận và đánh giá cao các sửa đổi trong bản dự thảo mới nhất của Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó ghi nhận các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thư cho rằng: Trong lĩnh vực dữ liệu số, điều quan trọng là phải hài hòa các định nghĩa và quy định với các luật hiện hành để duy trì tính nhất quán và tránh nhầm lẫn.
“Chúng tôi nhận thấy rằng quy định tại Luật này có khả năng chồng chéo với các quy định khác của Luật Dữ liệu và Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân. Mặc dù chúng tôi hiểu được hàm ý trong Điều 4, nhưng chúng tôi thực sự không khuyến khích sử dụng luật này để thay thế luật hiện hành. Việc thúc đẩy các thay đổi thông qua một luật khác sẽ mở ra cánh cửa cho sự mơ hồ về luật nào điều chỉnh vấn đề nào và sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ nhiều hơn” – đại diện Amcham thông tin.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thư, dự thảo luật nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ mới như công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain... Tuy nhiên, chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn đến việc đối xử không công bằng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
“Mục tiêu bao trùm của chính sách nên là lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất dựa trên thành tích/năng lực, bất kể nhà cung cấp có trụ sở ở đâu/dịch vụ được cung cấp từ đâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân” – bà Nguyễn Thị Thu đề xuất.