EU hoãn quy định về chống phá rừng, cà phê Việt Nam được lợi gì?
Mới đây, tờ Financial Times đã trích lời 3 quan chức từ Liên minh Châu Âu (EU) thông báo về việc tạm thời hoãn phân loại rủi ro phá rừng. Thay vào đó, EU sẽ đánh giá rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả các nước nhập khẩu, qua đó cho họ thời gian thích ứng với quy định mới. Lý do cho quyết định này đến từ việc cần thêm thời gian để các quan chức hoàn thiện hệ thống phân loại trước đó, vốn được chia ở ba mức: Thấp, trung bình và cao.
Nông dân thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Nguồn ảnh: Maika Elan, Bloomberg |
Ra mắt vào tháng 12/2022, Quy định của Liên minh Châu Âu về các sản phẩm không bị phá rừng (EUDR) với mục tiêu giảm thiểu và cuối cùng là loại bỏ nạn phá rừng trong nông nghiệp, vốn là tác nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu. Cụ thể, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 mặt hàng bao gồm: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ nếu phát hiện có hành động gây mất và suy thái rừng trong khâu sản xuất và chế biến. Doanh nghiệp có từ 18-24 tháng sau khi EUDR có hiệu lực để chứng minh sản phẩm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.
Nếu qua được khâu kiểm duyệt từ EUDR, các mặt hàng từ các nước xuất khẩu sẽ được đánh giá dựa trên 3 mức rủi ro: Thấp, trung bình và cao. Cụ thể, các nước thành viên của EU sẽ kiểm tra 9% lô hàng đến từ các nước có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước có rủi ro trung bình và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp. Đặc biệt, các mặt hàng có mức độ rủi ro thấp nhưng thuộc phạm vi vùng/quốc gia với một mặt hàng có rủi ro cao thì cũng đối mặt với nguy cơ bị EU coi là mặt hàng có độ rủi ro cao.
Trở ngại và cơ hội từ EUDR
Sau khi được ban hành, EUDR đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ đại diện doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu, do lo ngại rằng các nhà sản xuất cà phê sẽ không thể thực hiện những thay đổi cần thiết, cũng như chứng minh nguồn gốc sản phẩm của mình sao cho kịp với thời hạn định mức bởi EU.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc. Trả lời báo chí, bà Trần Quỳnh Chi - Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho biết, hiện 70 - 75% vườn trồng cà phê chưa có dữ liệu định vị theo EUDR.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, có tới 95% diện tích đất cà phê canh tác không thuộc quyền quản lý của các công ty nhà nước. Hơn nữa, lượng cà phê được trồng trên các nông hộ là rất ít, nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Trả lời phỏng vấn của trang Perfect Daily Grind, ông Stuart Ritson - cố vấn về thu mua và kiểm soát chất lượng cà phê tại Hà Lan cho rằng, thang phân loại của EUDR hiện đang thiếu sự phân tích sâu, và tồn tại nhiều rủi ro lớn. “Điều này có thể dẫn đến việc các thương nhân, nhà rang xay hoặc thậm chí là những tập đoán lớn trong ngành chấm dứt hợp tác với toàn bộ một quốc gia để tránh mức độ giám sát cao hơn từ EU”, ông Stuart Ritson phát biểu.
Đồng quan điểm, ông Auret Van Heerden - giám đốc điều hành công ty cố vấn Equiception (Thuỵ Sĩ) cho rằng, hệ thống phân loại EUDR có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người trồng cà phê và doanh nghiệp nhỏ lẻ, vốn đã tuân thủ các quy định trước đó, nhưng lại không thể đáp ứng dữ liệu và tiêu chuẩn cần thiết.
Tuy vậy, ông Auret Van Heerden cho rằng, EUDR cũng đem lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định và quản lý các rủi ro về xã hội và môi trường hơn với công nghệ truy dẫn nguồn gốc và dữ liệu mà EUDR cung cấp. Qua đó, doanh nghiệp có thể cải thiện các vấn đề về nhân quyền đối với người dân bản địa, đồng thời nâng cao điều kiện canh tác nhờ bảo tồn rừng, tài nguyên nước và đa dạng sinh học.
Quả cà phê được nông dân Việt Nam thu hoạch. Nguồn ảnh: Maika Elan, Bloomberg |
Hành động từ quyết định của EUDR
Theo nhận định của chuyên gia, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam có thể tận dụng khoảng thời gian trước khi EUDR được sửa đổi để hoàn thiện thủ tục và quy trình sản xuất. Đặc biệt, cần tham khảo khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, để đề phòng những biến đổi về chính sách sắp tới.
Cụ thể, nội dung kế hoạch bao gồm những hành động như: Tăng cường giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao; xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng và thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững,....
Hơn nữa, đây cũng là khoảng thời gian vàng để các nhà hoạch định chính sách tập trung hơn vào các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và những nông dân trồng cà phê. Đặc biệt, tại những nước có nền kinh tế phát triển như Việt Nam, nạn phá rừng có liên quan mật thiết đến sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và nạn nghèo đói. Khi nền kinh tế nông nghiệp trồng trọt phát triển không bền vững, việc canh tác cà phê sẽ ngày càng không bền vững.
“Nếu không có sự điều chỉnh thị trường, nông dân sẽ tránh xa những mặt hàng không mang lại lợi nhuận hoặc thậm chí là từ bỏ hoàn toàn nghề trồng trọt”, ông Auret Van Heerden chia sẻ.
Đặc biệt, ông Auret Van Heerden nhấn mạnh rằng, hợp tác từ các nhà cung cấp và bên mua là chìa khóa thành công để đối phó với EUDR. "Quan trọng nhất, bên mua phải chắc chắn rằng các nhà sản xuất mà có thể đáp ứng những kỳ vọng của EUDR. Cần phải có sự đầu tư từ các nhà nhập khẩu cà phê vào hệ thống đào tạo, thiết lập hệ thống quản lý và theo dõi tiến độ cùng công nghệ xác định rủi ro cho các nhà sản xuất”, ông nói.