Ngày còn đi học, nắng cũng như mưa, mỗi chiều thứ bảy, tôi lại lọc cọc đạp xe gần 20 cây số về nhà. Trên con đường bụi mù ngày nắng và trơn nhoẹt ngày mưa ấy, tôi bồi hồi nhận ra quê mình có một mùi thơm rất lạ. Ấy là khi lưng áo đã ướt sũng mồ hôi, mông tê cứng vì ngồi nhiều, guồng chân bắt đầu chậm lại vì mỏi, khi con đường quanh co dẫn về nhà bắt đầu hiện ra với từng vạt thược dược rực rỡ, cúc vàng tươi, những luống rau xanh mướt mát thì một mùi hương mềm ấm ùa vào, đánh thức mọi cảm giác. Đó là mùi thơm ấm của khói rơm đốt đồng, mùi liêu trai của trầm hương, mùi thoang thoảng của hoa, cỏ dại. Mùi nồng nồng của lớp bùn được xới xốp bông chuẩn bị cho mùa vụ mới... Một thứ mùi hỗn hợp đủ sức khiến con bé tròn xoe đang méo xệch miệng đạp xe nhoẻn cười, guồng chân nhanh hối hả hơn vì biết, à, sắp đến nhà rồi!
Những ngày cuối năm, con đường dẫn về nhà luôn đẹp đến mức làm tôi mê mẩn. Từ quốc lộ rẽ vào đường nhánh, ùa vào mắt tôi là những luống hoa kéo dài hút tầm mắt. Quê tôi không phải vựa hoa, những thứ hoa làm tôi mê mẩn cũng không phải phong lan kiêu kỳ, ly quý phái, đào sang trọng… mà chỉ là thược dược, violet, đồng tiền đơn, cúc đại đóa… Đặc biệt, những cụm hồng ta thơm nức luôn là thứ khiến tôi dù mờ mắt bởi đường xa cũng cố kiếm tìm cho bằng được. Bông hồng, bông trắng dù cố giữ đến mấy cũng chỉ được khoảng 3 ngày nhưng tôi sẵn sàng vét đến đồng xu cuối cùng trong túi để được sở hữu vài bông. Hoặc sẵn sàng đứng cả tiếng đồng hồ chỉ để ngắm nhìn những cánh hoa rung rung trong gió, nghe mùi hương quen thuộc thổi sâu vào từng giác quan.
Bây giờ, nhà máy mọc lên, những luống hoa nhường chỗ cho những xưởng sản xuất sực nức mùi công nghiệp. Tôi – đôi lúc vẫn ứa nước mắt mỗi khi nhìn thấy một cụm hồng ta mọc ven đường quốc lộ. Không kiêu sa, không rực rỡ nhưng những bụi hồng ta giản đơn mà thơm nức ấy luôn có sức mạnh đưa tôi trở về những ngày tuổi thơ thiếu thốn đủ điều nhưng luôn hồn nhiên và đầy hy vọng.
Chạy dọc lên đê, những luống rau mướt mắt bắt đầu hiện ra giữa cánh đồng ven chân đê. Những luống bắp cải cuộn chặt, nằm tròn xoe ngoan ngoãn như những chú lợn con. Những chùm cà chua chín đỏ, lấp ló hiền hòa trong bụi cây như đốm lửa. Những luống hành củ xanh xanh, trăng trắng. Từng dòng nước sông được múc vào thùng, sóng sánh, kẽo kẹt theo chân của các bà, các cô tưới đẫm vào những luống rau mơn mởn. Những ngọn rau béo mập được tắm sạch trong dòng nước ngọt, ngồi hiền ngoan bên bến nước chuẩn bị ra thành phố. Dưới ánh sáng lấp lánh hắt lên từ mặt sông, khuôn mặt cô hái rau hồng lên dưới vành nón rộng, đẹp và thơ đến nao lòng.
Dọc theo con đường đê hiu hiu gió, cứ một chập, tôi lại bắt gặp một đầm sen, nhỏ thôi nhưng luôn chặt đầy sen mẹ, sen con chen nhau vươn mình đón nắng. Những chiều hè lộng gió, tôi thường chạy xe đến sát đầm sen, bỏ giày, bỏ mũ, nghe buồn buồn cảm giác cỏ xanh chọc nhẹ vào chân. Ngồi trước đầm sen, tôi cười an nhiên khi nghe tiếng chim líu ríu gọi bạn, tiếng sột soạt, êm êm gặm cỏ của những chú bò, tiếng cười giòn tan của những cô, những cậu mục đồng vẫn say mê với trò chọi cỏ gà, đánh khăng, nhảy dây dưới triền đê đầy gió. Lúc này, tại đây, dường như smart phone vẫn là một thứ rất xa vời…
Nhà tôi nằm giữa xóm, xung quanh là những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái đang ở thời rực sức sống hay những trang trại nhỏ xao xác tiếng gà. Đứng ở trên đê, tôi thường có thói quen rất mực trẻ con là nhảy lên thật cao, tìm mái ngói đỏ giản đơn của nhà mình lẫn sâu trong những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Tưởng tượng chạy dọc qua cánh đồng lúa sẽ bắt đầu nghe thấy tiếng sủa rối rít của đám chó, cái đuôi ngoáy tít và hai chân cuống quýt đập liên tục vào cánh cửa để mở cửa đón cô chủ về. Đi qua con ngõ dài với hàng cau cao tít tắp sẽ thấy ngôi nhà nhỏ, nằm im lìm dưới bóng cây. Ngày ông bà nội còn sống, đều đặn mỗi tuần về nhà, tôi sẽ bắt gặp bố đứng đón tôi ngoài đường lớn. Mẹ đi lại ngóng nơi đầu ngõ. Bà nội đứng trong sân. Còn ông ngồi phe phẩy quạt ở đầu hè, cười hiền từ, rung rung bộ râu bạc phơ khi nghe tiếng cọc cạch của chiếc xe cà tàng và đón tôi bằng câu nói quen thuộc: “Con Lùn đi học về rồi đấy à?”.
Sau này, ông bà mất, bố mẹ vẫn giữ thói quen đứng ngóng tôi trước thềm nhà. Con gái xa nhà, bố đóng một cái tủ nhỏ, để chỗ cao nhất trong phòng ngủ, nói: “Chỗ dành để giấy khen của con”.
Ở đó, tôi bắt gặp mình của cả một khoảng trời mộng mơ chứa đầy thương nhớ. Để rồi dù đã nhiều năm đi xa khỏi lũy tre làng, lòng tôi vẫn luôn thổn thức khi chạm vào những mùi hương gợi nhớ quê nhà.
Chiều 30 nắng ấm. Tết đang đến rất gần…