Dùng tai nghe đúng cách để không gây hại thính lực
Sử dụng tai nghe liên tục trong thời gian dài có thể là nguyên nhân gây suy giảm thính lực. Cũng chính vì điều này mà việc làm sao để sử dụng tai nghe không gây hại cho thính lực luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tai bao gồm ống tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa được ngăn cách với ống tai bởi màng nhĩ. Tai giữa có chuỗi xương con dẫn truyền âm thanh gồm: Xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Tai trong thành phần chính là ốc tai, là cơ quan cảm giác của thính giác.
Sử dụng tai nghe thường xuyên dễ gây suy giảm thính lực. Ảnh minh họa |
Nghe nhạc bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày khiến các tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi. Ốc tai phải chịu đựng tiếng ồn lâu sẽ làm giảm khả năng cảm nhận tiếng nói, mặc dù trên thính lực đồ cho thấy thính lực chưa thay đổi nhiều.
Ốc tai mỗi người có nhiều tế bào thính giác, trong đó các tế bào chịu trách nhiệm nghe những tần số khác nhau. Âm thanh, tiếng ồn quá mạnh, kéo dài sẽ gây ra trạng thái kích thích liên tục, hậu quả là làm mệt thính giác. Nghe nhạc với cường độ lớn, hoặc nghe trước khi ngủ rồi ngủ quên luôn không những làm tổn thương cơ quan thính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây hậu quả nghiêm trọng.
Để có thể nghe được năng lượng âm thanh phải đủ mạnh để các tế bào lông trong ốc tai chuyển động. Nhưng tiếng ồn lớn có thể làm hỏng các tế bào lông này. Việc tiếp xúc nhiều lần với tiếng ồn lớn sẽ làm tổn thương các tế bào lông ngoài, làm ốc tai không thể chuyển tiếp tốt các thông điệp âm thanh đến não.
Không giống như tổn thương các bộ phận khác trên cơ thể, tổn thương tai trong không bao giờ lành. Những sợi lông đó không bao giờ mọc lại và theo thời gian, khi ngày càng nhiều tế bào lông bị hư hại, thính giác sẽ ngày càng kém đi không thể phục hồi được.
Điều quan trọng nếu thời gian tiếp xúc với tiếng ồn lớn kéo dài, các tế bào lông ngày càng tổn thương nhiều là nguyên nhân gây suy giảm sức nghe, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những lưu ý khi đeo tai nghe để không gây hại thính lực
+ Chọn tai nghe phù hợp: Thông thường, khi sử dụng tai nghe, ở trong môi trường ồn ào sẽ thấy có những tạp âm xen lẫn. Những lúc như vậy, sẽ có thói quen tăng âm lượng để lấn át hơn tạp âm lọt vào. Điều này vô tình càng khiến tai dễ bị tổn thương. Một chiếc tai nghe có khung vừa khít với vành lỗ tai sẽ giúp hạn chế tối đa tạp âm khi lọt vào. Vì vậy, trước khi chọn mua tai nghe, hãy yêu cầu người bán cho thử để xem chúng có vừa vặn với tai của mình không.
+ Hạn chế thời gian nghe nhạc: Trong cuộc sống, thứ gì cũng có giới hạn của nó, việc đeo tai nghe cũng vậy. Khi sử dụng tai nghe, thông thường chúng sẽ áp sát tai. Âm thanh liên tục “dội” vào tai với âm lượng lớn sẽ gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới các tế bào lông trong tai và dẫn đến tình trạng thính lực kém. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, chỉ nên sử dụng tai nghe với thời gian tối đa 60 phút mỗi ngày là thích hợp nhất. Đây là khoảng thời gian an toàn để việc nghe nhạc không gây ra tình trạng thính lực kém.
+ Áp dụng nguyên tắc 2/3 khi nghe nhạc: Theo các chuyên gia y tế, cường độ âm thanh an toàn cho thính lực là ở mức 85dB. Tuy nhiên, làm sao để biết đang nghe nhạc ở mức độ cho phép bởi hầu hết các thiết bị nghe nhạc đều không có chức năng đo mức âm thanh được phát ra. Câu trả lời chính là nguyên tắc 2/3. Rất dễ dàng, hãy đảm bảo mức âm lượng ta đang nghe không quá 2/3 vạch tối đa. Đây là mức được cho là gần với điểm an toàn, có thể chấp nhận được.
Cần làm gì để bảo vệ đôi tai?
Không nên mở âm lượng quá to, điều chỉnh sao cho mức âm lượng không quá 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Không đeo tai nghe quá lâu, không nên đeo tai nghe lúc ngủ, vì dễ ngủ quên.
Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Nếu không thì phải nhớ rằng: Khi volume bật càng to thì thời gian nghe càng phải được rút ngắn tương ứng.
Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai. Loại tai nghe này sẽ ngăn không cho âm thanh bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự "trung thực" của âm thanh. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe.
Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày là nên nghe nhạc, học tập... bằng loa ngoài, nếu cần dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn. Không nên nghe trong môi trường quá ồn ào, vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn.
Bên cạnh đó, một số thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể giúp ích. Cụ thể:
+ Bảo vệ thính giác trong các sự kiện ồn ào: Người bị nghe kém nên hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn. Trong một số trường hợp “bất khả kháng”, cần bảo vệ đôi tai bằng cách dùng bông bịt tai hoặc các thiết bị bảo vệ chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng cần chú ý: Không ngồi gần nơi phát ra tiếng ồn lớn chẳng hạn như loa; các loại máy công nghiệp... cố gắng nghỉ ngơi sau mỗi 15 phút và để cho đôi tai có khoảng 18 giờ để phục hồi sau khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
+ Tăng cường bổ sung cá: Các chất béo omega 3 và vitamin D tìm thấy trong cá đã được chứng minh là tăng cường các mạch máu trong tai, từ đó có thể cải thiện khả năng nghe. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ăn cá 2 lần/ tuần có thể giảm nguy cơ nghe kém liên quan đến tuổi tác lên tới 42%.
+ Tập luyện đều đặn: Tập luyện đều đặn giúp tăng cường lưu thông máu, từ đó tăng cường thính lực và phòng ngừa tình trạng suy giảm thính lực hiệu quả. Tham gia các môn thể thao như Yoga, thiền, đi bộ…
Khi thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng với các trang thiết bị đo thính lực để khám và được hướng dẫn điều trị hiệu quả.