Đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước
Hội thảo Giải pháp đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn |
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Giải pháp đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 3/11/2018.
Theo các đại biểu, Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Với diện tích 3.324,92 km2 cùng dân số trên 8 triệu người (số liệu năm 2018), Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu về đầu tư FDI. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Hà Nội thu hút 5,93 tỷ USD nguồn vốn FDI. Hà Nội có kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông và sân bay quốc tế. Là trung tâm liên kết vùng, Hà Nội có nhiều công ty hoặc đại diện các công ty dịch vụ logistics lớn trong nước và thế giới hoạt động…
Để đưa Hà Nội trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của Việt Nam, ông Nguyễn Tương- Cố vấn cao cấp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị nghiên cứu xây dựng các trung tâm dịch vụ tập kết hàng ngoài thành phố; sau đó, dùng xe tải nhỏ đưa hàng vào nội thành nhằm giải quyết ách tắc và an toàn giao thông nội đô, nhất là giờ cao điểm. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics như: ICD và các trung tâm dịch vụ logistics của thành phố như dành quỹ đất; ưu đãi về thuế thu nhập và thuế thiết bị...
Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty Delta International cho biết, khối lượng vận tải liên tỉnh từ các tỉnh đến Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông của Hà Nội còn quá hạn chế dẫn đến vận tải chậm, khối lượng nhỏ, kém hiệu quả. Hơn nữa, Hà Nội là trung tâm phân phối với hàng trăm chợ, trung tâm siêu thị… nhu cầu về logistics là rất lớn.
Tuy nhiên, rào cản đối với phát triển ngành dịch vụ logistics của Hà Nội là cơ sở hạ tầng chưa tương xứng; hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics như: chuỗi dịch vụ chuyên chở, lưu trữ và cung ứng hàng hóa..., còn chồng chéo, thiếu tính ổn định; nguồn nhân lực không chuyên nghiệp… Hiện Hà Nội quá ít trung tâm logictics, do khả năng tiếp cận đất đai cho dịch vụ logistics tại Hà Nội rất hạn chế. Hà Nội cần có chính sách đất đai để xây dựng các trung tâm logistics- ông Nghĩa nêu ý kiến.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, vị trí của Hà Nội trong bản đồ logistics của cả nước là rất quan trọng. Hiện Hà Nội mới chỉ có 1 trung tâm logistics hạng 1 và 1 trung tâm logistics hạng 2 là chưa đủ. Để Hà Nội phát huy đầu tàu trong liên kết vùng, xứng đáng là trung tâm kinh tế của đất nước thì cần phải có nhiều trung tâm logistics với quy mô lớn hơn và trình độ công nghệ phải hiện đại hơn, phát triển kết cấu hạ tầng logistics cùng với chiến lược xây dựng thành phố thông minh…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ này; trong đó, 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực. Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp dịch vụ logistics gồm: dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, ICD, trung tâm dịch vụ logistics, ga hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận vận tải, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan, đại lý phát chuyển nhanh và các dịch vụ logistics khác có liên quan.
Công bố của World Bank về bảng xếp hạng năng lực logistics năm 2018 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 39/160 nước, tăng 25 bậc so 2016, đứng thứ ba trong ASEAN (sau Singapore &Thái Lan).