Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu có điểm gì mới?
Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Công văn số 6718/VPCP-KTTH ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định trước đây về kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước (Ảnh: Cấn Dũng) |
Theo đó, dự thảo Nghị định mới có mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước.
Về quan điểm, dự thảo nghị định mới nhằm thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp…).
Nguyên tắc triển khai dự thảo nghị định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu.
Nhiều nội dung mới
Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 7 Mục và 37 Điều, bao gồm nhiều nội dung mới.
Cụ thể, về Cơ chế điều hành giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Theo đó, Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các chi phí về thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại Nghị định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Điều 32 Nghị định.
Đối với Bình ổn giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định không bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Dự thảo Nghị định không quy định riêng nội dung về bình ổn giá xăng dầu mà quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá, cụ thể quy định tại khoản 4 Điều 31 dự thảo Nghị định: "Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá".
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gồm: Có thời gian làm thương nhân phân phối xăng dầu trong thời hạn ít nhất 36 tháng để thương nhân có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu… để kiểm soát cung cầu xăng dầu trên thị trường; có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu trong một năm.
Đối với thương nhân phân phối xăng dầu, Dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu.
Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường).
Dự thảo Nghị định bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu do qua rà soát, Luật Đầu tư không có quy định kinh doanh dịch vụ xăng dầu là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, Dự thảo Nghị định bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Thương nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu do trên thực tế, việc vận chuyển xăng dầu là công đoạn tất yếu khi doanh nghiệp đưa xăng dầu lưu thông, mua bán trên thị trường. Bỏ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đủ điều kiện.
Dự thảo Nghị định cũng không quy định về việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu. Thay vào đó, dự thảo Nghị định quy định theo hướng các doanh nghiệp tự thỏa thuận việc sử dụng biển hiệu, thương hiệu với nhau và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến biển hiệu, thương hiệu (Luật quảng cáo quy định về biển hiệu, Luật thương mại quy định về thương hiệu).
Đối với Dự trữ lưu thông xăng dầu, quy định hiện hành về dự trữ lưu thông chưa được rõ ràng, cụ thể dẫn tới lúng túng trong thực hiện. Dự thảo Nghị định đã quy định rõ ràng hơn về dự trữ lưu thông xăng dầu so với trước đây.
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, dự thảo Nghị định xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.